Chiều 4/1, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra xăng dầu, trong đó nêu nhiều vi phạm của Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng này.
Một trong những điều kiện để được cấp phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo Nghị định 83/2014, là họ phải có kho, bể xăng dầu hoặc thuê từ đơn vị khác từ 5 năm trở lên. Việc này dẫn tới thực tế, doanh nghiệp, thương nhân phân phối thuê kho theo mùa vụ để được cấp giấy phép. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm cấp phép của Bộ Công Thương, theo kết luận thanh tra.
Trrong hơn 5 năm, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Thực tế, sau khi được cấp phép nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.
"Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm về duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối", kết luận thanh tra nêu.
Do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo nên trong gần 3 năm (từ 2017 đến tháng 9/2022), một số thương nhân phân phối bán cho đầu mối sai quy định, khoảng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá bất hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối đã không tạo nguồn theo quy định, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của thị trường. Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn tới gián đoạn nguồn cung vào năm 2022.
Tháng 8/2022, thị trường thiếu nguồn cung, hàng loạt cây xăng treo biển hết hàng, do thua lỗ kéo dài mà nguyên nhân từ việc họ bị đầu mối cắt chiết khấu xuống 0 đồng.
Việc quản lý lỏng lẻo của Bộ Công Thương dẫn tới hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc của Nghị định 83/2014. Chẳng hạn, Công ty cổ phần thương mại và Dầu khí Đồng Tháp ủy quyền việc mua bán xăng dầu cho các doanh nghiệp không phải công ty con, không đủ điều kiện làm thương nhân phân phối.
Hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ủy quyền cho các công ty con ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân dầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu, sản lượng hơn 4,46 triệu m3. Các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Long Hưng bán xăng dầu cho công ty mẹ, mua của các đơn vị đầu mối, phân phối khác...
Ngoài vi phạm cấp giấy phép, việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập dẫn tới bị doanh nghiệp chiếm dụng.
Theo kết luận thanh tra, trong hơn 5 năm, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định chi từ Quỹ bình ổn giá khi giá nhiên liệu chưa tăng, số tiền gần 1.143 tỷ đồng, và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá, hơn 318 tỷ.
Trong 1,5 năm (từ kỳ điều hành ngày 1/1/2017 đến 23/4/2018), văn bản điều hành giá của cơ quan quản lý không rõ ràng, dẫn tới 19 doanh nghiệp đầu mối trích lập sai Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON 95 hơn 1.013 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này cũng chi sai từ quỹ gần 680 tỷ.
Theo quy định, Quỹ bình ổn giá chỉ được sử dụng trong trường hợp cấp bách, khi giá tăng cao bất thường ảnh hưởng tới đời sống người dân, song thực tế liên Bộ Công Thương – Tài chính sử dụng quỹ này liên tục trong thời gian dài, khi không có biến động về giá. Việc này cũng dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy chế phối hợp, phân công giữa Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì quỹ, và Bộ Công Thương – cơ quan phối hợp trong quản lý Quỹ bình ổn, kiểm tra, giám sát thương nhân xăng dầu đầu mối.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ bình ổn, dẫn tới 7 doanh nghiệp sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá, hơn 7.927 tỷ đồng. Số tiền này đã được doanh nghiệp để tại tài khoản thanh toán trong nhiều kỳ, không kết chuyển về tài khoản quỹ. Trong đó, 3 doanh nghiệp đã trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn với khối lượng xăng dầu vượt sổ sách, dẫn tới trích lập sai gần 4,8 tỷ đồng và chi sai từ quỹ này gần 22,6 tỷ. Một doanh nghiệp trích lập thiếu vào quỹ hơn 3 tỷ đồng, và một đơn vị thực hiện sai nguyên tắc kế toán số tiền điều chỉnh vào quỹ, gần 10,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý (Bộ Công Thương, Tài chính) không nắm rõ số dư đầu kỳ, số trích lập, sử dụng hay lãi của quỹ này tại một số doanh nghiệp khi ba năm liên tiếp, các doanh nghiệp đầu mối và ngân hàng thương mại nơi họ mở tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu không gửi sao kê.
Trước những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân có liên quan tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính vi phạm về quản lý, để xảy ra thiếu xăng dầu, cũng như trách nhiệm phối hợp quản lý, giám sát Quỹ bình ổn, dẫn tới việc các thương nhân kinh doanh chiếm dụng và sử dụng sai mục đích.
Cơ quan thanh tra cũng chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý với hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường tại 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Hồ sơ tài liệu liên quan việc Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Phước Khánh có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước, cũng được cơ quan thanh tra chuyển sang Bộ Công an xem xét, xử lý.
Thanh tra Chính phủ cũng chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý có liên quan tới những tồn tại, vi phạm.
Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cuối 2022 cũng chỉ ra nhiều vi phạm của doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu, như không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối, đại lý bán ngược xăng dầu cho đầu mối. Quá trình thanh tra tại các doanh nghiệp cũng cho thấy, một số Vụ, Cục trực thuộc Bộ chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát và chậm trễ phát hiện hành vi vi phạm, kiến nghị xử phạt doanh nghiệp theo thẩm quyền.