89% doanh số thanh toán thẻ Visa ở Việt Nam bắt nguồn từ du khách và khách nước ngoài, 11% còn lại từ chủ thẻ Việt Nam nhưng chủ yếu dùng ở nước ngoài. |
Sau 5 năm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) mò mẫm khai phá loại hình dịch vụ bán lẻ mới, đến 1996, một loạt các ngân hàng khác bắt đầu tham gia thị trường bằng việc ký kết hợp đồng phát hành và thanh toán với các tổ chức thẻ quốc tế lớn như Visa, MasterCard, American Express... Đến nay, đã có 10 ngân hàng là thành viên chính thức của các tổ chức này, với số lượng phát hành lên tới 125.000 thẻ thanh toán quốc tế, đạt tốc độ tăng trưởng 49% mỗi năm.
Có 2 loại thẻ thanh toán đang sử dụng phổ biến trên thế giới là thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. |
Thẻ ghi nợ nội địa ra đời chậm hơn, vào năm 2002, nhưng tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều, trung bình trên 200%/năm. Do điều kiện phát hành đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với thị trường Việt Nam, đến nay đã có 760.000 thẻ nội địa của 15 ngân hàng được phát hành.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), số lượng phát hành thẻ thanh toán quốc tế cũng như nội địa kể trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và quy mô của thị trường. Trong tổng số hơn 20 triệu dân cư thành thị, 10 triệu người có thể trở thành đối tượng sử dụng tiềm năng các loại thẻ ghi nợ trả trước. Song trên thực tế, số lượng 10.000 đơn vị chấp nhận thẻ cùng với gần 800 máy rút tiền tự động (ATM) còn quá ít để phục vụ các chủ thẻ người Việt Nam. Chưa kể những điểm chấp nhận thẻ này chỉ tập trung tại các thành phố lớn hoặc các địa điểm du lịch. Nhu cầu ngày một tăng cao, hạ tầng chưa đáp ứng kịp đã dẫn tới tình trạng một số hệ thống ATM bị quá tải vào thời gian cao điểm. Việc tiếp quỹ thường xuyên cho máy, xử lý sự cố cũng là một bài toán nan giải khi hệ thống này phát triển rộng. Đã vậy, các ngân hàng còn giẫm chân nhau khi chạy đua lắp đặt ATM và lập điểm chấp nhận thẻ cùng một nơi.
Trở ngại lớn nhất khiến số lượng thẻ còn thấp so với tiềm năng thị trường, theo bà Hà và nhiều chuyên gia ngân hàng khác là do tập quán sử dụng tiền mặt trong tiêu dùng của người dân Việt Nam vẫn còn phổ biến. Thống kê của tổ chức thẻ Visa International cho thấy, lượng cung tiền mặt trong lưu thông ở các nước phát triển chỉ 10-25% trong khi ở các nước đang phát triển là 75-90%. Riêng trường hợp Việt Nam, theo Trưởng đại diện Visa Gordon Cooper, tiền mặt vẫn là vua, với trên 99% chi tiêu tiêu dùng cá nhân được thực hiện theo phương thức này. Bản thân hệ thống ATM hiện nay ở Việt Nam, hầu hết các giao dịch đều để rút tiền mặt, dù trên máy có nhiều tiện ích khác như chuyển khoản, thanh toán dịch vụ bảo hiểm, tiền điện, cước phí điện thoại...
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để dịch vụ thẻ phát triển, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như thắt chặt quản lý tiền mặt, tăng chi phí sử dụng tiền mặt để người dân chuyển sang các hình thức thanh toán khác, ưu đãi cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng cũng đề nghị sớm có một quy định của Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản và sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các khoản chi tiêu công.
"Đúng là sự phát triển của thanh toán thẻ phải đi đôi với hạn chế không dùng tiền mặt. Trước đây, việc hạn chế thanh toán tiền mặt được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng nay bản thân ngân hàng cũng có vẻ dễ dãi hơn trước, không chỉ chấp nhận cho doanh nghiệp thanh toán bằng tiền mặt với nhau mà còn cho họ vay bằng tiền mặt", Vụ trưởng Tài chính Kế toán Bộ Thương mại, bà Bùi Thị Tuệ chia sẻ quan điểm. Theo bà, hơn ai hết, chính ngành ngân hàng phải thực sự nỗ lực hạn chế thanh toán tiền mặt, qua đó góp phần phát triển thị trường thanh toán điện tử ngày một hiệu quả hơn.
T.T.