Tâm lý thích dùng tiền mặt vẫn rất phổ biến. |
Một cuộc nghiên cứu định tính do Tập đoàn Visa International tiến hành năm 2004 cho thấy, 51% người nước ngoài tới Việt Nam muốn thanh toán bằng thẻ Visa phải trả một khoản phụ phí - surcharge - tương đương 3% giá trị giao dịch. Trong số những khách hàng từng bị yêu cầu trả thêm phí, 60% chấp nhận thanh toán song cảm thấy bất bình, 40% còn lại không chấp nhận và sẵn sàng quay ra nếu cửa hàng vẫn tiếp tục đòi thu phí. Visa cũng đã tiến hành khảo sát các điểm chấp nhận thẻ tại TP HCM và kết quả là có tới 30% điểm bán hàng công khai thừa nhận áp dụng surcharge với người thanh toán thẻ. Đáng chú ý là hơn một nửa những người từng bị surcharge tin rằng đây là chính sách chung, và ngân hàng phát hành thẻ cùng với Visa được lợi từ khoản phụ thu này.
Trao đổi với báo giới, ông Gordon Cooper, Giám đốc Visa khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết, quy định chung của Visa yêu cầu các điểm chấp nhận thẻ đối xử bình đẳng với thanh toán thẻ cũng như thanh toán tiền mặt, và hoàn toàn cấm kị việc thu phụ phí. Tuy nhiên, sai phạm của một vài điểm thanh toán nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp đã khiến không ít khách hàng, đặc biệt là du khách quốc tế thấy phiền toái khi sử dụng thẻ tại Việt Nam. Theo kết quả điều tra của Visa, nếu như phần lớn du khách được hỏi cho biết rất thích thanh toán thẻ ở nước mình thì chỉ vỏn vẹn 30% nói thích dùng thẻ ở Việt Nam. Đáng buồn hơn là 61% cho biết nếu có dịp trở lại Việt Nam, sẽ chọn tiền mặt để mua hàng hoá, dịch vụ.
"Áp dụng phụ phí sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phục vụ du khách. Khách nước ngoài gặp rắc rối như vậy, còn chủ thẻ Việt Nam thì sao. Nếu không khắc phục triệt để, thị trường thẻ Việt Nam sẽ có vấn đề", ông Gordon quan ngại.
Vietcombank (VCB) là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc thanh toán và phát hành thẻ quốc tế tại Việt Nam. Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Tú Anh, Trưởng phòng Quản lý thẻ thừa nhận đây là một trong những vấn đề nổi cộm và làm đau đầu các ngân hàng cũng như gây khó chịu cho người sử dụng thẻ. Bà Tú Anh cho biết, các đơn vị chấp nhận thẻ lớn, nhất là công ty liên doanh hoặc nước ngoài hiểu rất rõ lợi ích do thanh toán thẻ mang lại nên không có hiện tượng thu phụ phí; tuy nhiên các đơn vị nhỏ chưa nhận thức được những vấn đề này và vẫn áp dụng surcharge, làm hạn chế việc sử dụng thẻ của khách hàng. "Theo thông lệ quốc tế, các ngân hàng có quyền yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ nếu làm sai quy định như thế phải hoàn lại phần phí thu cho khách hàng", bà Tú Anh tuyên bố.
Với hơn 10.000 thẻ quốc tế đã phát hành và khoảng 1.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, Eximbank đã không dưới một lần phải giải quyết chuyện đại lý của mình áp dụng phụ phí với khách. Hầu hết các điểm chấp nhận thẻ của Eximbank được đặt tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, một số trung tâm điện máy... nhằm tập trung phục vụ cho đối tượng khách nước ngoài. Trưởng phòng Thẻ Đinh Kim Quốc Thái cho biết, lỗi này thường có trong các cửa hàng nhỏ, chủ yếu không bán hàng cho khách quốc tế; đôi khi sai sót cũng nảy sinh ở một vài nhà hàng.
"Tổ chức Visa hoàn toàn cấm chuyện thu thêm phí đối với giao dịch thẻ và điều này cũng được ghi rõ trong hợp đồng ký kết giữa ngân hàng phát hành và đơn vị chấp nhận thẻ. Đôi ba lần chúng tôi cũng trực tiếp xuống thuyết phục, cảnh cáo những đơn vị vi phạm quy định. Tuy nhiên, tới đây phải quyết liệt hơn, mạnh tay loại bỏ surcharge", ông Thái nói.
Hiểu rõ tác hại của surcharge hơn ai hết, tất cả các ngân hàng Việt Nam đã phát hành và thanh toán thẻ quốc tế đều quyết tâm tẩy chay hiện tượng này. VCB cùng các ngân hàng hội viên Hiệp hội Thẻ Việt Nam đang bàn bạc các biện pháp phối hợp như tổ chức các chiến dịch chống thu phụ phí, đơn vị chấp nhận thẻ vi phạm sẽ có công văn nhắc nhở, thậm chí sẽ chấm dứt hợp đồng với các điểm cố tình vi phạm và thông báo cho các ngân hàng khác cùng hành động.
Sau hơn 10 năm khai phá mảng thị trường thẻ thanh toán quốc tế, đến nay Việt Nam đã có 9 ngân hàng triển khai dịch vụ (không kể các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam) với tốc độ tăng trưởng 49%/năm trong giai đoạn 2000-2005. Với 5 loại thẻ quốc tế được chấp nhận là Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diners Club, lượng thẻ do các ngân hàng phát hành hiện vào khoảng 125.000 và có thể thanh toán tại hơn 10.000 đơn vị chấp nhận thẻ khác nhau, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn hoặc các địa điểm du lịch.
Từ 2004, thị trường Việt Nam bắt đầu giai đoạn phát triển mạnh về dịch vụ thẻ. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm nay và những năm tiếp theo, chắc chắn có sự bùng nổ. Căn cứ vào tính toán về lực lượng lao động, sự phân bổ nguồn nhân lực thành thị, nông thôn cũng như độ tuổi lao động, số lượng người sử dụng thẻ có thể lên tới khoảng 12 triệu người.
Tuy nhiên, mảng thị trường tiềm năng này đang phải đương đầu với không ít thách thức. Theo bà Nguyễn Tú Anh, khó khăn trước hết chính là thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, từ chi tiêu cá nhân đến chi tiêu doanh nghiệp. Chính phủ có chủ trưởng hạn chế thanh toán tiền mặt và khuyến khích thanh toán thẻ, tuy nhiên chưa có những chính sách và biện pháp hỗ trợ cụ thể để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. "Để làm việc này, có thể có những quy định yêu cầu mở tài khoản trả lương, thanh toán qua ngân hàng, giảm một phần thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng tham gia thanh toán thẻ, ưu đãi thuế nhập khẩu trang thiết bị, phần mềm, vật tư cho dịch vụ thẻ của các ngân hàng...", bà Tú Anh đề xuất.
Một khó khăn khác là con số 11.000 đơn vị chấp nhận thẻ hiện nay còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế cũng như sự phát triển của thị trường trong tương lai. Hệ thống thanh toán trên toàn Việt Nam chưa được kết nối với nhau, chủ yếu vẫn liên kết theo nhóm. Hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, song lại có hiện tượng nhiều ngân hàng cùng đặt máy tại một điểm chấp nhận thẻ. Bản thân việc phân bố các điểm chấp nhận thẻ cũng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, phần lớn đều tập trung ở những khu vực nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm quốc tế nhằm phục vụ cho nhu cầu của người nước ngoài. Mảng dịch vụ và hàng hoá phục vụ cho khách người Việt Nam còn hạn chế.
Với những khó khăn kể trên và nguy cơ tội phạm ngày một gia tăng, thị trường thẻ Việt Nam sẽ khó vượt qua nếu không có sự trợ giúp từ cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cộng đồng.
Song Linh