Cụ thể, thống kê đến tháng 8, tổng số giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng tại Bình Dương tăng 33% so với đầu năm và cao hơn 13% so với cùng kỳ. Tổng giá trị giao dịch cũng tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, Bình Dương có 2 hệ thống thanh toán là thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán từng lần đối với các tổ chức tín dụng. Từ đầu năm đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục được các tổ chức tín dụng nâng cấp theo hướng tập trung, hiện đại, trở thành hệ thống thanh toán "xương sống", kết nối với các hệ thống khác trong nền kinh tế.

Khách hàng thực hiện giãn cách trong giao dịch tại VietcomBank Bình Dương. Ảnh: Thanh Hồng/ Báo Bình Dương
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc thanh toán điện tử liên ngân hàng đã đáp ứng nhanh nhu cầu thanh toán của toàn bộ nền kinh tế địa phương. Tại nhiều ngân hàng, các ứng dụng thanh toán online, ngân hàng điện tử được khuyến khích nhằm hạn chế việc giao dịch tại quầy. Việc ứng dụng hình thức thanh toán thuận tiện, an toàn, nhanh chóng là xu hướng các tổ chức tín dụng luôn hướng tới để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Do đó, lượng khách hàng đến giao dịch tại quầy giảm nhưng lượt giao dịch, thanh toán trực tuyến tăng mạnh.
"Trước diễn biến của dịch bệnh, các ngân hàng trong tỉnh đang nỗ lực siết chặt việc phòng, chống dịch. Việc bảo đảm hoạt động trong mọi tình huống luôn được các ngân hàng, tổ chức tín dụng đặt lên mức cao nhất. Sự chủ động của ngành ngân hàng, sự hợp tác của khách hàng sẽ giúp công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu kép của địa phương", ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương cho biết.
Tâm Anh