![]() |
Người dân vẫn ưa dùng tiền mặt hơn. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Theo ông Vũ Huy Toản, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, thanh toán bằng séc bị hạn chế là do chưa có quy định bắt buộc về hạn mức phải thanh toán bằng séc mà hiện chỉ "động viên" dùng séc.
Phần lớn giao dịch mua bán hiện nay được sử dụng bằng phương thức ủy nhiệm chi là chính (ở TP HCM chiếm khoảng 75% trong thanh toán không dùng tiền mặt) nhưng hình thức này thời gian thanh toán dài hơn, đòi hỏi 2 bên phải ký hợp đồng mua bán mới có thể lập ủy nhiệm chi để trả tiền.
Việc thanh toán séc cũng gặp không ít phiền phức. Hiện nay khách mua và khách bán hàng có tài khoản ở cùng một ngân hàng thì khi khách bán đến ngân hàng để nộp séc, ngân hàng sẽ ghi có trên tài khoản khách bán và ghi nợ trên tài khoản khách mua.
Nhưng khi khách mua và khách bán không có tài khoản ở cùng một ngân hàng, các ngân hàng thương mại phải thông qua hệ thống thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước. Mỗi ngày ở đây chỉ có 2 phiên thanh toán bù trừ (vào lúc 10 giờ sáng và 15 giờ) và việc kiểm tra séc ở Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ yếu là thủ công.
Nếu các ngân hàng phát hành vài chục nghìn tờ séc mỗi ngày thì việc thanh toán bù trừ trong ngày gặp rất nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, tâm lý của người bán nhận séc thường lo ngại trên tài khoản của người mua không còn tiền, séc giả, dễ dẫn đến rủi ro trong giao dịch nên hay từ chối việc thanh toán séc.
Theo ông Toản, giải pháp để mở rộng thanh toán bằng séc, cơ quan nhà nước nên tiên phong trong việc thanh toán bằng séc, đưa hình thức thanh toán này phổ biến rộng rãi.
(Theo SGGP)