Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua lần đầu tiên ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện kể từ khi Tổng thống Donald Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/7. Tại đây, ông đã đối mặt với hàng loạt câu hỏi của các thượng nghị sĩ về nhiều vấn đề, trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên, theo AFP.
Khi được hỏi có phải Triều Tiên vẫn sản xuất nhiên liệu bom hạt nhân hay không, Ngoại trưởng Mỹ trả lời: "Đúng vậy. Họ tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch". Tuy nhiên, Pompeo cho rằng Mỹ - Triều đã đạt được một số tiến bộ trong quá trình hướng tới phi hạt nhân hóa, chẳng hạn như ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng bắt đầu phá hủy các cơ sở tại bãi thử tên lửa Sohae.
"Chặng đường phải đi còn rất xa, nhiều công việc còn phải làm", Pompeo thừa nhận. Tuyên bố này của ông khác xa với lời khẳng định "không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên" mà Trump đưa ra sau cuộc gặp với Kim Jong-un, càng trái ngược với nhận định của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cách đây vài tháng rằng Mỹ có thể "rất nhanh chóng" tháo dỡ vũ khí hạt nhân Triều Tiên để đưa về Tennessee.
Những hình ảnh vệ tinh công bố mới đây được các quan chức Mỹ và Hàn Quốc coi là "tiến bộ" trong nỗ lực thực thi tuyên bố chung sau cuộc gặp Trump – Kim, trong đó có việc Triều Tiên đang phá dỡ một bệ thử động cơ tên lửa và một tòa nhà gần bãi phóng ở trạm Sohae. Nhưng bình luận viên Uri Friedman của Defense One thì cho rằng nếu Trump coi đây là "thắng lợi" trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên của mình, đó chỉ là những chiến thắng rất nhỏ nhoi và còn cách rất xa so với những gì các quan chức chính quyền Mỹ từng kỳ vọng.
Các nhà phân tích nhất trí với nhận định của một quan chức Hàn Quốc rằng việc Triều Tiên phá dỡ bãi thử tên lửa Sohae là "dấu hiệu tốt hơn là không có gì". Tuy nhiên, Melissa Hanham, chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, cho rằng Triều Tiên có thể không còn cần đến các bệ thử động cơ tên lửa nếu họ "tự tin vào thiết kế động cơ của mình" và đi vào sản xuất hàng loạt.
"Phá hủy bệ thử động cơ tên lửa là động thái tốt, nhưng là điều tối thiểu mà họ có thể làm ở bãi thử này", bà viết, lưu ý rằng Triều Tiên có thể dễ dàng xây lại công trình này nếu cần phải thử nghiệm một loại thiết kế động cơ tên lửa mới.
Các vụ thử trong năm 2017 của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đã sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn có thể phóng từ bệ phóng di động trong thời gian rất ngắn, nên bệ phóng cố định cùng bệ thử động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng ở Sohae rõ ràng là đã lạc hậu, theo Hanham.
"Việc phá hủy bãi thử Sohae chẳng khác nào tháo dỡ một chiếc xe Chevy cũ để rồi tiếp tục lắp bánh mới cho chiếc Porsche", bình luận viên Will Ripley của CNN viết trên Twitter về động thái mới nhất của Triều Tiên trong chương trình tên lửa.
Việc Mỹ biết được quá trình phá hủy bãi thử Sohae thông qua ảnh vệ tinh thương mại chứ không phải nhờ các thanh sát viên quốc tế trên mặt đất cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục khước từ việc kiểm chứng độc lập đối với các bước đi mà nước này cho là hướng tới phi hạt nhân hóa. Trong vụ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri hồi tháng 5, Triều Tiên cũng chỉ mời các nhà báo quốc tế, không phải các thanh sát viên chuyên nghiệp, tới chứng kiến.
Hơn một tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim diễn ra, những gì hai nước đạt được trong thỏa thuận "hướng tới phi hạt nhân hóa" là Bình Nhưỡng phá hủy bãi thử Sohae, Hàn Quốc thí điểm giảm số lượng binh sĩ, trạm gác ở biên giới, Mỹ và Triều Tiên thảo luận về cách thức trao trả hài cốt lính Mỹ tử trận.
Bình luận viên Friedman cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi và đang trong giai đoạn xây dựng lòng tin lẫn nhau đầy mong manh. Thực tế này rất khác so với tầm nhìn lớn về hòa bình và thịnh vượng mà Trump đã vẽ ra cho Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh.
"Lời thừa nhận của Pompeo rằng Triều Tiên vẫn đang chế tạo vật liệu phân hạch cho thấy quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng đang bước vào thời kỳ đình trệ, thậm chí thụt lùi, với những tiến bộ nếu có đạt được cũng rất nhỏ", Friedman nhận định.
Theo ông, cả Mỹ và Triều Tiên giờ đây đều đang "chỉ thò một ngón chân xuống nước, mắt vẫn dè chừng nhau và sẵn sàng nhảy ngay lên bờ nếu thấy bất an với đối phương". Không bên nào sẵn sàng đưa ra nhượng bộ lớn, chẳng hạn như Triều Tiên tiết lộ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của mình và nhất trí với lộ trình giải giáp, hay Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên để tạo tiền đề cho một hiệp ước hòa bình tương lai.
Trump tuần trước đã phải thừa nhận rằng "chúng tôi không có giới hạn về thời gian hay tiến độ thực hiện tiến trình" trong đàm phán với Triều Tiên, đúng một tháng sau khi ông trở về từ Singapore và tuyên bố đã "loại bỏ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên".
Thái độ dè chừng này giữa hai bên là điều đã được dự đoán từ trước, bất chấp sự lạc quan sau hội nghị thượng đỉnh. "Mỹ và Triều Tiên suốt 70 năm qua chưa có bất cứ mối quan hệ nào được xây dựng dựa trên lòng tin", Choo Yoon-je, đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ, giải thích lý do quá trình hướng tới phi hạt nhân hóa giữa hai bên đòi hỏi sự "kiên nhẫn".