Ở đỉnh cao (năm 1999), thu ngân sách của TP HCM chiếm 33,9% cả nước, nhưng năm 2021 chỉ còn 23,8%, thấp hơn cả 24,1% năm 1993.
Hơn hai thập niên sau khi thống nhất đất nước, TP HCM là tâm điểm của những ý tưởng đột phá mang tầm vóc quốc gia; nhưng rất khó tìm điều tương tự trong khoảng hai thập niên gần đây. Nghiêm trọng hơn, tiêu cực và tham nhũng bộc phát.
Kỳ vọng lớn với nhiều tỷ USD đã được chi tiêu, nhưng phía đông sông Sài Gòn - Thủ Thiêm - đã trở thành điểm nóng. Ở phía Nam, thành công của Phú Mỹ Hưng chỉ trong hơn 4 km2, trong khi sự phát triển của vùng đất mấy trăm km2 này đang rất ngổn ngang và nhiều quan chức đã nhúng chàm. Điều này đang ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của Thành phố.
Những gì mà TP HCM đạt được trong hơn hai thập niên qua là chưa xứng tầm và nhìn nội tại, trục trặc là ở ngay tại Chính quyền Thành phố chứ không phải ở cấp thấp hơn. Những chuyển động gần đây là đáng ghi nhận, nhưng nếu không thận trọng, Thành phố có thể đi vào vết xe đổ của những đô thị nhiều rắc rối.
Trong khoảng 30 năm (từ đầu thập niên 1960), Seoul đã có thể biến vùng đất trồng bắp cải phía nam sông Hàn - Gangnam - thành một vùng đô thị tầm cỡ quốc tế có quy mô 5 triệu người. Mô hình chính quyền thành phố, quận và phường đã giúp Seoul phát triển và trở thành một siêu đô thị cạnh tranh toàn cầu.
Incheon là một biểu tượng thành công khác của Hàn Quốc. Năm 2003, một đặc khu kinh tế với diện tích 209 km2 (tương đương Thủ Đức hiện nay) ngay cạnh Seoul được thành lập. Chưa đầy hai thập niên sau, nơi này trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng và là thành phố lớn thứ ba (với khoảng 3 triệu dân) của Hàn Quốc.
Bắt đầu trước Thủ Thiêm chỉ mấy năm, giờ đây Phố Đông của Thượng Hải trở thành đô thị phát triển hàng đầu trong khu vực với dân số trên 5 triệu người. Phố Đông thực sự là động lực mới khẳng định vị thế của Thượng Hải nói riêng, Trung Quốc nói chung. Mô hình đặc khu kinh tế trực thuộc chính quyền cấp tỉnh đã tạo ra sự thành công cho siêu đô thị hơn 25 triệu dân này.
Chìa khóa thành công cho các địa phương ở Hàn Quốc và Trung Quốc là tính hiệu quả của chính quyền cộng với sự ủng hộ của trung ương nhằm thực hiện bằng được các chiến lược quốc gia với định hướng những địa phương có khả năng được tạo điều kiện để vươn lên trước. Đây cũng là công thức thành công ở nhiều nước khác.
Ở thái cực bên kia, Manila và Jakarta là những điển hình gây thất vọng. Mô hình thành phố trong thành phố đang bộc lộ nhiều bất cập.
Ở thập niên 1960, Manila là tâm điểm trong khu vực và dự án thành phố mới Makati đã gặt hái được thành công. Tuy nhiên, giờ đây, đó chỉ là một thành phố nhỏ với hơn 27 km2 và dân số gần 600 nghìn người. Rộng hơn, siêu đô thị hơn 14 triệu dân Manila được vận hành bởi 17 chính quyền thành phố và một chính quyền vùng đô thị. Các thành phố thiếu tiếng nói chung, trong khi chính quyền cấp trên không có nhiều thẩm quyền và hiệu lực hạn chế.
Siêu đô thị hơn 10 triệu dân Jakarta được cấu trúc bởi 5 thành phố (đông, tây, nam, bắc và trung tâm) và một đơn vị trực thuộc. Chính quyền vùng thủ đô đặc biệt với thẩm quyền cao cũng không khỏa lấp được bất cập do cạnh tranh lẫn nhau và khó tìm được tiếng nói chung giữa các thành phố. Việt Nam đang rất thấm điều này ngay cả với các tỉnh.
Manila và Jakarta phải để các địa phương kém phát triển hơn rút ngắn khoảng cách là cách nhìn chủ đạo ở Philippines và Indonesia. Nguồn lực được đầu tư hạn chế nên các siêu đô thị này không có khả năng cạnh tranh toàn cầu cho dù dân số Philippines gấp hơn hai lần và Indonesia gấp hơn năm lần Hàn Quốc. Sai lầm trong cả chiến lược phát triển quốc gia và các thành phố đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Khoảng cách giữa Jakarta và Manila với các địa phương khác ở hai nước này đã bị doãng ra thay vì rút ngắn như kỳ vọng.
Trở lại vấn đề của TP HCM, những nỗ lực làm mới đã có kết quả về mặt chính sách. Cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và việc thành lập thành phố Thủ Đức là hai cú hích chiến lược.
Nghiên cứu quá trình phát triển của TP HCM, tôi nhận thấy một không khí và quyết tâm trong giai đoạn vận động cho hai cơ chế nêu trên rất giống với hai thập niên năng động của Thành phố. Và tôi biết có hai luồng quan điểm chính trong quá trình trao đổi và lựa chọn các chính sách đột phá cho TP HCM.
Thứ nhất, tạo ra những đột phá chiến lược mang tầm quốc gia. Quan điểm này theo hướng đề nghị Thủ Đức có cơ chế đặc khu giống như Phố Đông (trực thuộc cấp tỉnh) và mạnh hơn là như Incheon (đơn vị hành chính cấp tỉnh).
Thứ hai, có những chính sách để Thành phố có thể xoay xở ở một chừng mực nhất định trong chiếc áo cơ chế chung của cả nước. Mô hình thành phố trong thành phố là cách thức để có thể khai thác một số dư địa cho sự phát triển.
Với bối cảnh của Việt Nam, quan điểm thứ hai tỏ ra thực tế hơn và những gì đang xảy ra ở TP HCM có vẻ đang là như vậy. Kể từ khi thành lập, tần suất và quy mô của những cuộc thảo luận và chính sách cho sự phát triển của Thủ Đức ở cấp độ Thành phố là khá khiêm tốn, gần như không có sự kiện nào được chú ý ở quy mô cả nước; và nhân sự chiến lược vẫn chưa được kiện toàn. Trái lại, những động thái về việc hình thành thêm các thành phố khác như Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn lại sôi động hơn hẳn. Đây là một chỉ báo của sự cạnh tranh không hay và dàn trải.
Đặt trong bức tranh phát triển chung của cả nước và từ kinh nghiệm của các nước khác, tôi cho rằng cách tiếp cận đột phá chiến lược cho Thủ Đức là hợp lý hơn và mô hình chính quyền hiện tại sẽ thuận lợi hơn nếu biết cách làm như các nơi đã thành công. Trái lại, mô hình nhiều thành phố trong thành phố có thể giải quyết được một số vấn đề trước mắt, nhưng hậu quả lâu dài sẽ khó lường.
Nghị quyết 54 đã gần hết thời gian thử nghiệm 5 năm, nhưng chưa có chính sách nào thực sự đột phá. Chính quyền TPHCM cũng như Trung ương nên có các quyết sách và định hướng rõ ràng. Nếu không, đến năm 2045, mục tiêu đưa TP HCM trở thành một đô thị cạnh tranh trong khu vực, và Việt Nam trở thành nước phát triển, có khả năng khó thành hiện thực.
Huỳnh Thế Du