Các gia đình, cá nhân, khu dân cư và công ty tham gia tích cực và hiệu quả vào việc phân loại rác sẽ được thưởng tiền mặt và công nhận là "cá nhân tích cực" hoặc "khu dân cư xanh", theo thông báo về chương trình thu gom rác mới do Cục Quản lý Đô thị và Thi hành pháp Thâm Quyến công bố hôm 17/10.
"Nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân vào việc phân loại rác, 5.000 gia đình, 1.000 cá nhân, 500 khu dân cư và một số lượng công ty không giới hạn sẽ được tặng thưởng mỗi năm", thông báo cho biết.
Số tiền thưởng cho các gia đình là 2.000 tệ (hơn 280 USD), các cá nhân là 1.000 tệ và các khu dân cư lên tới 300.000 tệ (hơn 42.000 USD), trong khi các giám đốc công ty chịu trách nhiệm phân loại rác sẽ được thưởng 1.000 tệ. Tổng số tiền thưởng lên tới 62,5 triệu tệ (8,8 triệu USD) nhưng không rõ các tiêu chuẩn để được đánh giá phân loại rác tốt là gì.
Theo quy định tại Thâm Quyến, rác thải được phân làm 4 loại: có thể tái chế, độc hại, dễ hỏng và các loại khác. Trong năm qua, thành phố đã quảng bá rộng rãi chương trình này trên các phương tiện công cộng và khu dân cư cũng như thay đổi dần các thùng rác.
Tại các thành phố khác, người vi phạm sẽ bị xử phạt, trong đó các công ty đối mặt mức phạt 1.000 - 5.000 tệ, các cá nhân có thể bị phạt 200 tệ, nhưng có thể tham gia các buổi đào tạo hoặc sự kiện thông tin thay cho nộp phạt. Các cá nhân tích cực phân loại rác có thể đổi điểm để mua các hàng hoá như gạo và dầu.
Tại Thượng Hải, nơi chương trình phân loại rác được áp dụng từ tháng 7, các tình nguyện viên được phân công đứng trước thùng rác để hướng dẫn người dân bỏ rác đúng quy định. Giá của các thùng rác gia đình có khả năng phân loại đã tăng cao trên các trang thương mại điện tử, trong khi các nhà sản xuất cũng phát triển những mẫu thùng rác thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trung Quốc tạo ra 210 triệu tấn chất thải rắn đô thị vào năm 2017, ít hơn 48 triệu tấn so với Mỹ, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Là nước tạo ra rác thải lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc dự kiến mở rộng chương trình phân loại rác tới 46 thành phố lớn vào cuối năm 2020 và triển khai trên cả nước vào năm 2025.
Anh Ngọc (Theo SCMP)