Sau trận lũ năm 2012 ở Bắc Kinh khiến 79 người chết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc các đô thị chuyển đổi sang mô hình "thành phố bọt biển" để ứng phó mưa lớn, với số tiền đầu tư hàng trăm tỷ USD.
Các thành phố Trung Quốc bị lũ lụt một phần bởi hầu hết diện tích đất giúp hấp thụ nước mưa, như đồng cỏ, rừng cây và hồ nước, đã bị bê tông hóa, buộc dòng nước phải chảy trực tiếp vào hệ thống thoát nước lỗi thời, không còn khả năng ứng phó.
Sáng kiến "thành phố bọt biển" là nỗ lực nhằm đảo ngược thực trạng trên bằng cách hấp thụ lượng nước mưa lớn và cho nó từ từ chảy vào các hồ chứa và sông. Sử dụng mô hình vườn trên mái, công viên đầm lầy, vỉa hè thấm nước và bể chứa ngầm, kế hoạch này dự kiến giúp hấp thụ và tái sử dụng 70% lượng nước mưa vào 4/5 diện tích đất đô thị của Trung Quốc.
Tuy nhiên, lũ lụt hoành hành ở Bắc Kinh và các đô thị lân cận ở miền bắc Trung Quốc gần đây, khiến ít nhất 20 người chết, đã gióng chuông cảnh báo rằng liệu chiến thuật này có phù hợp hay không, trong bối cảnh mưa lớn xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn vì nhiệt độ toàn cầu gia tăng.
Sân bay Đại Hưng, trung tâm hàng không lớn ở ngoại ô Bắc Kinh, được coi là sân bay bọt biển đầu tiên ở Trung Quốc. Sân bay có những hồ nước tuyệt đẹp, bể chứa và hệ thống thoát nước được thiết kế để hấp thụ lượng mưa có thể lấp đầy 1.300 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Tuy nhiên, một phần đường băng ở Đại Hưng ngày 31/7 vẫn chìm trong nước khi thủ đô bị tấn công bởi trận mưa lớn nhất trong vòng 140 năm qua.
Tại tỉnh Hà Bắc lân cận, thành phố Hình Đài cũng bị nước lũ tấn công, dù gần đây đã bổ sung thêm nhiều công trình "bọt biển" theo chiến dịch quốc gia từ năm 2016. Lượng mưa 100 mm, tương đương tổng lượng mưa trong hai năm, đã đổ xuống Hình Đài trong hai ngày, gây ra lũ lụt khiến 5 người chết, 4 người mất tích.
Đây được coi là những ví dụ cho thấy các mô hình "thành phố bọt biển" được đầu tư rất lớn của Trung Quốc đã thất thủ trước tác động của thiên nhiên. Năm 2021, Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cũng bị nước lũ nhấn chìm, dù đã đầu tư 53,5 tỷ nhân dân tệ (7,48 tỷ USD) vào cơ sở hạ tầng để xây dựng mô hình "thành phố bọt biển"
Ở một số nơi, cơ sở hạ tầng "bọt biển" chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích thành phố, còn những nơi khác chìm trong nước vì chúng được coi là nơi xả lũ.
Tiến sĩ Hongzhang Xu, nhà nghiên cứu về thích nghi biến đổi khí hậu tại Đại học quốc gia Australia, cho rằng vấn đề với chiến lược xây dựng thành phố bọt biển ở Trung Quốc là không tính đến các sự kiện thời tiết cực đoan.
"Khi mới được khởi xướng, kế hoạch này khá tốt vì đưa ra cách tiếp cận tổng thể, toàn diện để giải quyết các vấn đề về thủy lợi ở đô thị, như kiểm soát ô nhiễm, quản lý nước mưa và giảm lũ", Xu nói. "Nhưng mô hình này không tính tới các sự kiện thời tiết cực đoan và thiên tai như lũ quét".
Các thiết kế quản lý thủy lợi trong mô hình "thành phố bọt biển" được đưa ra năm 2014, dựa trên lượng mưa trong 30 năm trước đó. Nhưng các sự kiện thời tiết cực đoan hiện nay đã vượt xa những gì hệ thống được thiết kế, theo tiến sĩ Li Zhao, nhà nghiên cứu làm việc cho tổ chức Greenpeace tại Bắc Kinh.
Ma Jun, giám đốc Viện Các vấn đề công cộng và môi trường, tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh, nhận định chiến lược "bọt biển" rất hữu ích và nên áp dụng rộng hơn, nhưng chỉ riêng nó là không đủ mà cần kết hợp thêm biện pháp khác.
Các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc làm cách nào để xử lý khi mưa lớn hơn và rút ra bài học từ các trận lũ gần đây cho tương lai, ông nói, nhấn mạnh "thậm chí cả bọt biển cũng gặp vấn đề khả năng giữ nước".
Lũ lụt không phải vấn đề mới ở Trung Quốc, khi đô thị phát triển gây áp lực lên công tác quản lý mưa bão. Các thành phố được xây dựng trên những vùng từng là hệ thống thoát nước tự nhiên như hồ, đất ngập nước và rừng, buộc Trung Quốc phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới để xử lý nước mưa. Những cơ sở này đang bị đẩy tới giới hạn bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến mưa nhiều hơn, dữ dội hơn.
Mở rộng cơ sở hạ tầng xanh như công viên đô thị và vườn trên mái nhà có thể giảm nhẹ hậu quả thiên tai ở mức độ nhất định. Tại Trì Châu, một trong những thành phố bọt biển đầu tiên của Trung Quốc, chính sách quản lý nước mưa kiểu tự nhiên đã giúp 800.000 cư dân tránh được lũ quét năm 2016, dù lượng mưa năm đó lớn hơn 30% so với bình thường.
Để nâng cao năng lực của các thành phố bọt biển, tiến sĩ Xu cho rằng cần khôi phục các tuyến kênh được xây từ thời nhà Thanh để thoát lũ và chuyển hướng dòng nước. Giới chức Trung Quốc cũng nên cải thiện các hệ thống cảnh báo thiên tai để giảm thiểu thiệt hại.
"Thiết kế đô thị vẫn là vấn đề không nơi nào giống nơi nào", ông Xu nói. "Điều đó đồng nghĩa áp đặt một mô hình cho tất cả các thành phố có thể không phù hợp".
Hồng Hạnh (Theo Bloomberg)