Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, cố đô lịch sử và là điểm du lịch nổi tiếng quốc tế trước đại dịch, nhanh chóng bị phong tỏa sau khi phát hiện hơn 200 ca Covid-19 trong tháng này. Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ 0h ngày 23/12, khiến thành phố 13 triệu dân hôm nay trở nên vắng lặng khác thường.
Truyền thông địa phương đưa tin người dân đổ xô tới chợ mua hàng tích trữ khi thông tin phong tỏa được rò rỉ từ hôm 22/12. Lệnh phong tỏa được ban hành vào thời điểm các cử nhân đại học đang chuẩn bị cho kỳ thi thạc sĩ cuối tuần tới.
"Cả tuần nay lúc nào tôi cũng bất an", một thí sinh giấu tên chuẩn bị tham gia kỳ thi thạc sĩ cho hay. "Điểm thi yêu cầu xuất trình chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ. Nhưng các trung tâm xét nghiệm gần đây chỉ cung cấp chứng nhận điện tử, bệnh viện thì bị phong tỏa còn điểm thi không ai nghe máy".
Với toàn bộ đường phố bị chặn, cô không biết mình sẽ tới điểm thi bằng cách nào.
Wei, một người dân Tây An, cho biết lệnh phong tỏa khiến cô cảm thấy "đau khổ" vì không thể gặp được chồng đang sống tại Bắc Kinh suốt nhiều tháng nay. "Bắc Kinh bùng dịch đợt trước và giờ đến lượt Tây An", Wei nói.
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo chính quyền Tây An đang đối mặt "bài kiểm tra lớn về năng lực quản trị". Nhiều quan chức địa phương đã bị sa thải sau với lý do xử lý ổ dịch không tốt, khiến chính quyền các tỉnh thành càng duy trì nghiêm ngặt các lệnh hạn chế ngăn Covid-19.
Trước khi dịch bùng phát, các ban quản lý thắng cảnh ở Tây An đã yêu cầu khách xuất trình xét nghiệm Covid-19 âm tính mới được vào khu du lịch. Quy định tương tự cũng áp dụng với khách đi tàu.
Sau hai năm duy trì chiến lược "Không Covid" nghiêm ngặt, Trung Quốc ghi nhận chưa tới 5.000 ca tử vong vì đại dịch, thấp hơn nhiều so với 800.000 ca ở Mỹ. Nhiều người dân Trung Quốc ủng hộ chiến lược này của chính phủ và sẵn sàng chấp nhận các lệnh phong tỏa.
"Tôi tin rằng nên làm thế, cần phải phong tỏa", Sun, một người dân Tây An, nói. Cô trước đó đã dự đoán sẽ có lệnh phong tỏa vì khu phố nơi cô ở xuất hiện nhiều ca Covid-19.
"Chính quyền cho biết chúng tôi có thể ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm, nên tôi không chuẩn bị gì ngoài mua vài thứ tối qua", Sun, người sẽ tiếp tục làm việc ở nhà, nói.
Trung Quốc, nơi đầu tiên phát hiện ca Covid-19 trên thế giới, đã kiểm soát dịch khá thành công bằng hàng loạt biện pháp cứng rắn ngay khi phát hiện ca nhiễm, gồm phong tỏa vùng có dịch, cách ly người dân địa phương và xét nghiệm hàng loạt.
Người dân Tây An cho hay sau gần hai năm đại dịch, bây giờ họ đã chuẩn bị tốt hơn và tin rằng cần áp dụng các biện pháp triệt để nhằm dập dịch từ trong trứng nước.
"Chúng ta đều đã nhìn thấy cách Vũ Hán phong tỏa. Thời điểm đó, không có gì chắc chắn, nhưng lần này chúng tôi không quá hoảng sợ và tin tưởng vào chính quyền", Wei nói.
Vũ Hán từng trải qua đợt phong tỏa chưa từng có kéo dài 76 ngày hồi đầu năm 2020.
Phong tỏa thành phố là "biện pháp mà chúng ta nên làm ngay từ đầu, càng sớm càng tốt", Yuan, một phiên dịch viên và là người mẹ có hai con sống ở Tây An, nói.
Cô cho hay khu dân cư mình sống sắp được xét nghiệm lần ba từ khi bùng dịch. Trường học đóng cửa, hai con chuyển sang học trực tuyến. "So với Vũ Hán, tôi tin rằng lần phong tỏa này sẽ không kéo dài quá lâu", Yuan nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)