Hình ảnh một thanh niên hít xà đơn trên tàu metro Bến Thành - Suối Tiên đã gây chú ý trên mạng xã hội. Người này vô tư sử dụng tay nắm treo trần và thanh sắt dọc toa tàu để thực hiện động tác như thể đang tập thể dục. Hành động diễn ra giữa lúc toa tàu đông người, nhiều hành khách ngồi ngay phía dưới.
Chuyện xảy ra ngày 24/1. Là người đã sử dụng metro suốt một tháng qua, tôi không chỉ chứng kiến vụ việc thanh niên hít xà đơn, mà còn nhiều hành vi kém văn minh khác, từ sân ga đến bên trong toa tàu.
Ở ke ga, nơi có vạch kẻ rõ ràng để phân luồng cho hành khách lên và xuống tàu, không ít người đứng chờ tràn lan, che kín cả lối đi. Hành khách xuống tàu gặp khó khăn vì không có không gian để di chuyển, trong khi lên và xuống tàu thời gian chỉ chừng 30 giây.
Một lần khác, ngay từ những ngày tàu mới hoạt động, tôi bắt gặp một phụ huynh dắt con nhỏ đi tàu. Đứa bé ăn snack và làm rơi một miếng bánh xuống sàn. Người mẹ nhìn thấy nhưng lờ đi, không nhặt lên, cũng không dạy con ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng.
Đây lẽ ra là cơ hội để giáo dục con trẻ, nhưng lại bị bỏ qua. Rồi nhiều bạn trẻ, một người mẫu chụp ảnh thời trang cho một số local brand quần áo kéo nhau lên tàu để chụp ảnh quảng bá. Họ thoải mái tạo dáng, chiếm trọn cả một góc tàu, gây náo loạn và làm phiền các hành khách xung quanh.
Trở lại với vụ việc thanh niên hít xà đơn, điều khiến tôi suy nghĩ không chỉ là hành động của người này mà còn là thái độ của những hành khách xung quanh. Nhiều người tỏ ra chán nản, quay mặt đi hoặc nhìn vào điện thoại, không buồn lên tiếng nhắc nhở.
Một câu nói phổ biến của Gen Z hiện nay là: "Bạn không ngại thì người khác ngại." Nhưng thực tế, không ai đủ can đảm hay cảm thấy mình có trách nhiệm để góp ý về hành vi lệch chuẩn nơi công cộng.
Chúng ta ngại va chạm, ngại đôi co, và điều này vô tình khiến những hành vi thiếu văn minh tiếp tục diễn ra. Vậy ai sẽ là người lên tiếng? Và ai thực sự có "thẩm quyền" để nhắc nhở hoặc xử lý các hành vi như vậy?
Tàu metro là phương tiện giao thông công cộng hiện đại, và để duy trì môi trường văn minh trên metro, ý thức của mỗi cá nhân là điều quan trọng nhất. Một vài hành động nhỏ như đứng đúng vị trí trên sân ga, giữ gìn vệ sinh, nhường ghế cho người lớn tuổi, hay đơn giản là không làm phiền người khác cũng đủ để tạo nên một không gian di chuyển dễ chịu.
Các hành vi lệch chuẩn không chỉ gây phiền hà mà còn làm mất đi hình ảnh đẹp về một phương tiện công cộng văn minh. Chúng ta cần nhận thức rằng, metro không chỉ là nơi để di chuyển, mà còn là không gian thể hiện văn hóa đô thị.
Metro đang rất mới ở Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời để cộng đồng cùng chung tay xây dựng văn minh nơi công cộng để góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Thay vì thờ ơ hoặc lờ đi, mỗi người đều có thể góp phần xây dựng văn hóa đi tàu bằng cách tự nhắc nhở mình và những người xung quanh. Một xã hội văn minh không cần những lời chỉ trích trên mạng xã hội, mà cần những hành động nhỏ nhưng thiết thực mỗi ngày.
Minh