- Trở lại cuộc sống bình thường tại quê nhà, cảm xúc chị ra sao?
- Khi về nước, được cách ly 15 ngày trong khách sạn, tôi đếm từng giờ để quay về nhà. Sau đó, tôi tiếp tục ở nhà thêm 14 ngày cho yên tâm. Đến mùng 3 Tết, tôi mới hoàn thành thời gian tự cách ly, được gặp bạn bè, người thân. Tuy thỏa nỗi nhớ, tôi vẫn hạn chế tụ tập lâu, khi gặp người nhà cũng đeo khẩu trang. Tết Tân Sửu của tôi trải qua đơn giản như vậy, nhưng tôi vẫn thấy vui vì trở về môi trường thân thuộc, không có gì phải phàn nàn cả. Đêm đầu tiên, tôi cứ đi loanh quanh phòng, ngắm từng góc nhà, lòng vẫn chưa tin đây là sự thật.
Tôi không quan trọng việc được đi chơi nhưng hy vọng tình hình dịch cải thiện để mọi người quay lại cuộc sống bình thường. Tôi không bị ảnh hưởng lớn, tuy nhiên, mỗi người cũng khó phát triển dài lâu nếu xung quanh chưa ổn định. Kinh tế phát triển, mọi người có thu nhập tốt, dòng tiền mới có cơ hội xoay vòng nhanh hơn. Tôi làm việc trong ngành thẩm mỹ, làm đẹp. Máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu đều có hạn sử dụng, nên tôi cũng mong mọi thứ được vận hành đúng quy trình của nó.
- Việc đầu tiên chị làm khi về nước là gì?
- Khu tôi có nhiều hàng xóm trồng hoa, mua chậu kiểng chưng Tết. Từ trong phòng nhìn ra, tôi cũng được hưởng thụ vẻ đẹp đó. Tôi nhờ người đi mua hoa, trang trí nhà cửa cho có không khí tươi vui, để hàng xóm được ngắm cùng. Các em tôi biết ý, mua hoa dừa trồng dưới những gốc cây có sẵn trong vườn như xoài, mít, mận, khế..., khiến ngôi nhà nhiều sức sống hơn hẳn. Tôi mê cây cối, nhưng không trồng bonsai đắt tiền, chỉ thích những cây ăn trái. Tôi còn có một khu vườn cách nhà chừng 20 phút đi xe, mùa xoài vừa rồi cũng thu hoạch hàng trăm trái. Lúc đó tôi chưa về nước nên dành phần đó cho nhân viên. Sắp tới, tôi gửi trái cây sạch tặng bạn bè, khách hàng. Tôi nghĩ, hoa trái đẹp mà chỉ có mỗi mình thưởng thức cũng thật vô nghĩa.
Trước đây, tôi có điều kiện đi nước này nước kia, thấy nhiều nơi phát triển. Nhưng trong thời dịch, tôi thấy yêu và tự hào về quê hương đất nước, biết ơn những điều bình thường nhất như được gặp bạn bè, ăn món Việt... Lần này về, tôi quyết định sẽ không đi đâu xa trong một thời gian dài. Tôi thấy đất nước đang rất phát triển, đồng thời cũng muốn đóng góp thêm cho ngành du lịch nước nhà.
- Chị làm gì để bớt cô đơn trong một năm sống ở xứ người?
- Tôi là người có thể sống vui một mình, không cần đi chơi, cà phê, bar, nhậu nhẹt... Khi ở nhà, tôi cũng thấy vui vì có nhiều việc để làm, ngoài ra có thể dành thời gian đọc thêm về lịch sử, học nấu các món ăn mới trên Youtube. Tôi thấy việc học hỏi rất vui. Tôi thích đọc sách, hay nói đùa hồi nhỏ không có tiền mua sách, lớn lên có tiền lại không đủ thời gian đọc. Hiện tại, tôi có cả tiền và thời gian, nhưng cuối cùng mắt yếu nên vẫn không dám đọc nhiều. Nhưng may mắn, bây giờ đã có sách nói. Tôi có thể nghe sách cả ngày không biết chán. Ngoài ra, tôi phải điều hành công ty từ xa và làm việc với các đối tác nên rất bận rộn.
- Điều tích cực nhất chị nhận được trong thời dịch?
- Có lẽ đó là khả năng bếp núc, nội trợ (cười). Ẩm thực quê nhà là thứ khiến tôi nhớ thương nhất trong những ngày ở đất khách. Người Tây thường nấu một món rồi ăn nhiều ngày, nhưng tôi không thể quen với điều đó. Tôi phải nấu ăn một ngày vài lần. Tuy vất vả, tôi học được cách nấu nướng đơn giản, tiện lợi. Ví dụ, thay vì luộc gà như cách thông thường, tôi rửa gà với nghệ để có màu vàng, thêm sả và lá chanh vào bụng gà, sau đó quấn giấy bạc và bỏ lò nướng. Thành phẩm ngon như gà luộc truyền thống nhưng tiện lợi hơn. Nhờ đó, tôi có thể ăn một ngày ba bữa khác nhau nhưng không mất quá nhiều thời gian.
Trong nước, mọi thứ đều sẵn có, thực phẩm luôn tươi sống. Tôi còn trồng một vườn rau trên sân thượng, khi cần là ra hái rồi chế biến ngay. Ở nước ngoài, nếu muốn dùng những gia vị như ngũ vị hương hay rượu mai quế lộ, tôi phải mua từng thành phần về, tự mình chế tạo, pha trộn. Nhờ vậy, tôi nhận ra bản thân kiên nhẫn hơn, dễ thích nghi, dễ hài lòng với cuộc sống hơn. Không những tự đi chợ, nấu nướng, tôi còn phải dọn dẹp sau mỗi bữa ăn, còn khi ở nhà đã có các cô giúp việc xử lý hết (cười).
- Chị lo lắng thế nào khi con gái đang du học ở Mỹ?
- Con gái tôi - Alex - sinh năm 2002, bây giờ cũng bắt đầu học online. Hai mẹ con chỉ có thể liên lạc qua điện thoại hơn một năm nay, vì tình hình dịch chưa có dấu hiệu kiểm soát được. Nhưng tôi yên tâm vì vẫn còn người thân ở Mỹ để hỗ trợ con. Thời gian tới, khi Việt Nam có vaccine mọi thứ ổn định, con gái có thể về nước, hoặc tôi sẽ sang đấy thăm con. Dù rất nhớ con, tôi đành chấp nhận hoàn cảnh này và nuôi hy vọng.
Vân An