- Cuộc sống của gia đình chị thay đổi ra sao sau gần nửa năm nhạc sĩ Thuận Yến qua đời?
- Sự ra đi của ba để lại khoảng trống lớn trong gia đình tôi, cần thời gian để khỏa lấp và làm cho cuộc sống bình thường trở lại. Mẹ tôi là người đau khổ nhất. Với mẹ, ba không chỉ là một người chồng mà còn là điều gì đó thiêng liêng, gắn bó tưởng như vĩnh cửu. Mất ba là điều khủng khiếp nhất với mẹ.
Bản thân tôi hiểu "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật tự nhiên, không thể cưỡng lại nên đã chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối diện mất mát. Tôi cũng trò chuyện với mẹ trước những nỗi đau, cũng nói với bà về những triết lý âm dương trong Phật giáo. Tôi nói với mẹ: "Mẹ càng dành cho ba những ý niệm hạnh phúc, niềm vui thì ba càng dễ siêu thoát ". Vì thương ba, mẹ tôi cũng bớt đau khổ hơn.
- Cảm xúc của chị ra sao những lúc nhớ về ba?
- Mỗi lần nhớ về ba, tôi đều thấy thương. Ông là người cha yêu con gái hết mực (giọng run run). Tôi chưa bao giờ dám trách ba mẹ một lời về bất cứ điều gì trong cuộc sống. Những gì tôi và gia đình có hôm nay đều là nỗ lực tối đa từ phía ba mẹ. Mỗi lúc hát các ca khúc của ba, tôi đều thấy như ông đang ở ngay bên mình. Tôi tin cái chết không đồng nghĩa với việc biến mất mãi mãi, giống đạo Phật đã dạy. Những gì ba tôi đã làm, tôi nghĩ cuộc sống hậu trần gian của ông giờ có khi còn tốt hơn hồi ông hiện hữu trên cõi đời này.
- Chị nuối tiếc nhất vì đã không làm điều gì khi ba còn sống?
- Trước khi ba tôi qua đời, tôi và gia đình đều cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất, mong ông sẽ ra đi thanh thảnh và sớm siêu thoát. Tôi từng cầu khấn nhiều nơi để mong nếu sống được, ba có cuộc sống với đầy đủ cảm xúc chứ không phải kiểu thực vật như vậy. Thấy sức khỏe ba không có dấu hiệu tích cực, tôi cũng chuẩn bị tâm lý. Tôi nhớ lời Phật, khi có người mất, người thân không nên quá sầu thảm để làm bận lòng người ra đi. Nếu không, những người đã mất sẽ bị bận lòng và không siêu thoát được. Vì vậy, tôi cố tìm mọi cách kìm nén cảm xúc để ba ra đi thanh thản nhất.
- Lời cuối nào của nhạc sĩ Thuận Yến khiến chị không thể quên?
- Ba tôi bị ốm trong một thời gian dài nên lúc sắp mất, ông không nói được gì nhiều. Lúc ba còn nằm trên giường, mẹ tôi hỏi: "Thanh Lam, con gái của anh đâu?". Ba tôi liền bảo: "Đi thẳng, rẽ phải". Tôi nghe vừa buồn cười, vừa thương. Tâm trí ông lúc ấy gần như lụi tàn vì tuổi già, bệnh tật nên không nhớ bất kỳ thứ gì. Con gái Thanh Lam của ông cũng không còn tồn tại trong bộ não nữa rồi.
Suốt cuộc đời mình, mỗi bước đi của tôi luôn có ba theo sát, thậm chí không lời nói dối nào của tôi qua được mắt ba. Tôi thấy mình may mắn vì có ba, một người đàn ông sống trách nhiệm với gia đình và con cái. Và tôi càng thấy may mắn hơn khi quan sát cách Quốc Trung quan tâm, chăm sóc cho con cái, đặc biệt với Thiện Thanh. Đó là những điều ba thường làm với tôi khi xưa. Giữa cuộc sống bộn bề nhiều cám dỗ này, những tình cảm và tâm huyết của anh Trung dành cho các con khiến tôi cảm động và cực kỳ trân trọng.
- Trước bức thư gửi cho bạn trai của con gái với những lời "răn đe" của Quốc Trung, chị và con gái phản ứng thế nào?
- Cả tôi và anh Trung đều mong cho con những điều tốt nhất nên tôi luôn tôn trọng, tin tưởng mọi quyết định của anh. Với lại, tôi thấy đây chỉ là một cách Quốc Trung thay lời các ông bố hiện đại gửi các chàng trai trẻ nói chung chứ không ám chỉ riêng ai. Cách anh ấy viết trong thư cũng thể hiện sự tếu táo thường thấy chứ không có gì nghiêm trọng.
Khi đọc thư bố, con gái thứ hai của tôi tỏ ý bênh vực bạn trai. Tuy vậy, tôi đã giải thích cho cháu mục đích của anh Trung. Sau đó, Tiến (bạn trai Thiện Thanh) cũng khẳng định: "Cháu không có vấn đề gì với chú Quốc Trung cả. Cuộc sống còn rất dài để chứng minh bản thân", câu nói ấy của Tiến khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn.
- Điều gì khiến chị và chồng cũ vẫn rất tin tưởng nhau sau khi chia tay?
- Vì chúng tôi không chỉ có chung những đứa con mà còn cả chí hướng trong cuộc sống. Trong cuộc sống hiện tại, nhiều người đánh mất niềm tin và không phải đồng nghiệp nào cũng giúp nhau hết mình nếu không có điều kiện đi kèm. Tôi và Quốc Trung thì ngược lại. Có lẽ hiểu được điều này nên chúng tôi luôn tìm được tiếng nói chung. Nhờ đó, cả hai mới đem lại cho con cái tương lai tốt đẹp nhất.
- Cách nuôi dạy con gái của chị khác gì so với Quốc Trung?
- Tôi không cấm con gái yêu đương. Thiện Thanh không có một cuộc sống tình cảm bình thường như những bạn cùng trang lứa. Vì vậy, con bé cần tình yêu giống như một cái cây cần tưới nước. Ai trong đời cũng từng bước qua thời trẻ dại với những thứ tình yêu nông nổi. Người càng lãng mạn như Thiện Thanh lại càng dễ yêu. Đó là chuyện tự nhiên trong cuộc sống, việc cấm đoán có thể khiến những người trong cuộc làm những việc sai trái. Tôi chỉ đưa mình ra làm bài học cho con nhìn và tự rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tôi cũng khuyên con thường xuyên trau dồi kiến thức. Có được tri thức tốt, Thiện Thanh sẽ biết cách chọn được người đàn ông đích thực.
- Mẹ chị, NSƯT Thanh Hương, từng nói Thiện Thanh cá tính giống chị. Chị làm gì để tránh cho con những vấp ngã trong tình yêu, điều mà chị gặp phải suốt những năm tháng thời trẻ?
- Thiện Thanh có nền móng tốt để cháu biết cách giảm bớt rủi ro trong cuộc sống. Còn nếu điều không may xảy ra, tôi nghĩ cách tốt nhất là học cách chấp nhận và tiến về phía trước. Mỗi người sinh ra đều có cái nghiệp và duyên từ kiếp trước. Bản thân bố mẹ luôn cố gắng truyền dạy cho con những bài học nhưng cuộc đời con ra sao vẫn lệ thuộc một phần vào hai chữ "định mệnh".
Tôi hay trêu Thiện Thanh: "Sao bố khôn ngoan thế con không giống bố mà lại giống mẹ". Con gái tôi trong sáng, có lúc hơi dại dột. Thực ra, trong sáng cũng có cái hay bởi nó giúp cháu có cuộc sống sung sướng vì không phải lo nghĩ nhiều. Tuy vậy, nó cũng khiến những hành động của cháu bị người ta dòm ngó. Điều tôi mong muốn duy nhất ở con gái mình là cháu phải trưởng thành hơn nữa, cả trong cuộc sống lẫn con đường nghệ thuật.
Thành Trương thực hiện