Những ngày giữa tháng 8, Thanh Kim Huệ cùng các nghệ sĩ như Chí Tâm, Hồng Đào, Thanh Hằng... bận rộn tập dượt vở Lan và Điệp. Tác phẩm cải lương kinh điển được công diễn tại Nhà hát Bến Thành, tối 17 và 18/8, kể từ khi bản thu đầu tiên ra mắt năm 1974. Phiên bản gốc do soạn giả Loan Thảo thực hiện, là một trong những tác phẩm tạo dựng tên tuổi của Thanh Kim Huệ (vai Lan), Chí Tâm (vai Điệp), Tú Trinh (Thúy Liễu), Hữu Phước (ông Tú - cha của Lan)...
Đóng vở tuồng kinh điển sau 45 năm, Thanh Kim Huệ như sống lại những ngày đầu vào nghề. Khoảng năm 13 tuổi, cô bé Bùi Thị Huệ về đoàn Kim Chung - gánh hát đình đám thời bấy giờ, diễn các dạng vai từ nô tỳ đến đào ba, đào nhì... Chị lấy nghệ danh với chữ "Kim" ngụ ý về âm sắc cao, sáng của chất giọng.
14 tuổi, Thanh Kim Huệ được cố soạn giả Loan Thảo chọn vào vai Lan, hát cùng Chí Tâm (vai Điệp) trong bản thu Chuyện tình Lan và Điệp (soạn giả Thế Châu). Là cô đào chưa mấy tên tuổi, chị hồi hộp khi lần đầu thể hiện một vai lớn. Thế nhưng, lúc hát, chị quên mọi thứ, sống trọn cùng mối tình oan nghiệt của nhân vật. Đoạn Lan tiễn Điệp lên thành phố học, chị chọn cách hát vừa nũng nịu, giận hờn vừa thiết tha của thiếu nữ trao trọn tin yêu cho mối tình đầu. Khi Lan bị phụ bạc, lên chùa cắt tóc đi tu, chị hát thay nỗi lòng người từ bỏ những sân hận trần gian.
Bản thu âm sau đó trở thành đĩa nhạc thành công nhất trong các phiên bản Lan và Điệp. Đi đến đâu, Thanh Kim Huệ và Chí Tâm cũng được khán giả yêu cầu hát lại các trích đoạn trong vở. Từ đây, Thanh Kim Huệ trở thành giọng ca được ưa chuộng. Nhiều hãng đĩa thời bấy giờ liên tục mời chị cộng tác. Ngoài tuồng cổ, chị cũng được khán giả hâm mộ với những bản tân cổ giao duyên như Chợ Mới (tác giả: Trọng Nguyễn), Rước tình về với quê hương (tân nhạc: Hoàng Thi Thơ; cổ nhạc: Loan Thảo), Đám cưới trên đường quê (Nhạc: Hoàng Thi Thơ; lời vọng cổ: Yên Lang)...
Thập niên 1980, Thanh Kim Huệ tiếp tục ghi dấu với vai Hến trong vở tuồng dân gian Ngao, Sò, Ốc, Hến của đoàn cải lương Sài Gòn 1. Lần đầu diễn vai đào lẳng, chị nghiên cứu kịch bản để tìm hướng thể hiện nhân vật khác với tích cổ. Từng điệu bộ như đánh tay, ngúng nguẩy... đều được chị tính toán kỹ lưỡng trên sân khấu. Vai Hến để lại ấn tượng không kém hai nhân vật quan huyện (Thanh Điền) và Trùm Sò (Giang Châu). "Mỗi lần đi diễn ở vùng sâu vùng xa, khán giả dường như quên mất tên tôi, chỉ gọi bằng cái tên Thị Hến", chị kể.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn, đồng nghiệp gần gũi với Thanh Kim Huệ, đánh giá chị là một trong số ít những cô đào có chất giọng kim hiếm có. Theo ông, nữ nghệ sĩ không tham gia nhiều vở, nhưng các nhân vật của chị đều để lại ấn tượng sâu đậm, trở thành chuẩn mực cho các diễn viên trẻ.
Nổi tiếng với sân khấu, Thanh Kim Huệ xem vai trò làm mẹ làm vợ quan trọng nhất trong gần 45 năm bên chồng - nghệ sĩ Thanh Điền.
Chị gặp Thanh Điền vào năm 14 tuổi, khi họ hát chung đoàn Hoa Phượng. Ấn tượng lần đầu của chị là khi nhìn thấy hình anh trên tờ quảng cáo vở tuồng, chị nghĩ thầm: "Thằng cha nào mà xấu đau xấu đớn, vầy mà đòi làm kép hát?". Năm 1969, ghe gánh hát bị lũ cuốn trôi. Thanh Điền một tay đưa cho Thanh Kim Huệ một cái trống để làm phao rồi đẩy chị vào bờ, một tay ôm mẹ chị - lúc đó theo con gái phụ đoàn hát (cha mẹ chị lúc đó đã chia tay). Sau nghĩa cử đó, chị yêu chàng trai từng khiến chị ghét vì cái đầu cạo trọc. Năm 1975, họ kết hôn.
Gần 45 năm bên nhau, cả hai luôn nhường nhịn, san sẻ mọi buồn vui. Lớn hơn vợ tám tuổi nhưng Thanh Điền có vóc dáng phong độ, trẻ trung, được giao đóng cặp nhiều cô đào. Dù vậy, Thanh Kim Huệ ít khi ghen tuông. Có lần, nghệ sĩ Lệ Thủy cùng Thanh Điền đóng vai vợ chồng trong vở Sông dài. Diễn xong, bà hỏi Thanh Điền ở nhà có hay tặng hoa cho vợ, có bị vợ kiểm soát tiền nong... Đứng gần đó, thấy chồng ấp úng, Thanh Kim Huệ liên tục khen chồng chung thủy, hết mực yêu thương vợ con.
Tuy vậy, cả hai cũng trải qua nhiều biến cố. Lần thất bại lớn nhất của đôi vợ chồng là vào thập niên 1990. Khi đó, trào lưu băng video lên ngôi, cải lương thất thế, nhiều đoàn hát chịu lỗ rồi tan rã. Đoàn hát Sài Gòn 1 do vợ chồng Thanh Kim Huệ quản lý chịu cảnh bấp bênh, tiền vé không bù nổi tiền công. Thua lỗ triền miên, họ bán nhà trả nợ, mở tiệm chụp ảnh để kinh doanh. Chỉ đến khi làm ăn khấm khá, vợ chồng diễn viên mới gây dựng lại cuộc sống nuôi hai con ăn học. Sau khi con gái qua đời vì bệnh hiểm nghèo, vợ chồng chị tìm sự an ủi với Phật giáo, chấp nhận thực tế ai rồi cũng đến lúc về cõi vô thường.
Thời gian rút lui vào hậu trường để điều hành các đoàn hát, Thanh Kim Huệ chuyên tâm sáng tác kịch bản. Đến nay, nhiều bản thảo vẫn còn nằm trong ngăn kéo của chị, chờ ngày được đưa lên sân khấu. Chị kể, dù cải lương đã qua thời hưng thịnh, chị vẫn tin một ngày sàn diễn lại sáng đèn.
Ở tuổi 64, sau những chuyến lưu diễn, Thanh Kim Huệ lại cùng chồng tìm niềm vui bên gia đình con trai, chơi đùa cùng cháu nội... "Chúng tôi để những đau khổ lại sau lưng để học cách sống tốt hơn", chị chia sẻ.
Mai Nhật