Các nhà khảo cổ Hy Lạp phát hiện thanh kiếm sắt bị bẻ gập trong ngôi mộ của lính La Mã ở một nhà thờ tồn tại từ thế kỷ 5, thành phố Thessaloniki, Live Science hôm 12/5 đưa tin. Phát hiện mới gây ngạc nhiên vì người lính được chôn trong nhà thờ cổ nhưng gập kiếm lại là nghi thức không thuộc Cơ Đốc giáo, theo Errikos Maniotis, nhà nghiên cứu tại Khoa Khảo cổ Đông La Mã thuộc Đại học Aristotle Thessaloniki.
Nhà thờ bị hư hại vào thế kỷ 7 và chỉ được tu sửa qua loa, sau đó hoàn toàn bị bỏ hoang vào thế kỷ 8 hoặc 9. Trong những cuộc khai quật gần đây, các nhà khảo cổ tìm thấy 7 ngôi mộ ẩn bên trong công trình này. Một số mộ chứa hai hài cốt mà không có vật dụng nào. Tuy nhiên, có một ngôi mộ đặc biệt hình vòm chỉ chứa hài cốt một người và chôn cùng vũ khí, trong đó có thanh spatha, loại kiếm dài thẳng tồn tại từ cuối thời La Mã (năm 250 - 450), bị bẻ gập.
"Thông thường, những loại kiếm này được lực lượng kỵ binh phụ trợ của quân đội La Mã sử dụng. Cộng với tầm quan trọng của vị trí chôn cất, chúng tôi có thể nói người trong mộ là một nhân vật cấp bậc cao của quân đội La Mã", Maniotis cho biết.
Các nhà khảo cổ cần tiếp tục nghiên cứu thêm về hài cốt mới phát hiện. "Chúng tôi chưa biết gì về người này, bao gồm tuổi thọ, nguyên nhân tử vong, những vết thương mà anh ta có thể gặp phải từ các trận chiến", Maniotis nói.
Nhóm nghiên cứu đặc biệt hứng thú với thanh kiếm gập và các vũ khí khác, trong đó có núm khiên (núm tròn ở chính giữa khiên) và mũi giáo. "Các phát hiện này cực kỳ hiếm ở khu vực thành thị. Kiếm gập thường được khai quật ở Bắc Âu, bao gồm những nơi mà người Celt sinh sống", Maniotis giải thích. Người Hy Lạp cổ đại và người Viking cũng sử dụng nghi thức này. Tuy nhiên, có vẻ người La Mã không sử dụng, nhất là khi Cơ Đốc giáo chiếm ưu thế vì nghi thức này bị coi là ngoại giáo.
Thanh kiếm gập là manh mối cho thấy người lính trong mộ là người Goth hoặc đến từ một bộ tộc German khác và chỉ hoạt động như lính đánh thuê trong quân đội của đế quốc La Mã. Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng tìm thấy vài đồng xu cổ tại điểm khai quật. Họ dự định phân tích chúng và kiểu dáng núm của chuôi kiếm để suy đoán xem người lính này sống trong thời kỳ nào.
"Những vũ khí của anh ta sẽ giúp chúng tôi tìm hiểu xem sự hiện diện của cộng đồng lính đánh thuê từ bên ngoài ảnh hưởng ra sao đến Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai của đế quốc Đông La Mã sau khi Rome sụp đổ, chỉ sau thành phố Constantinople", Maniotis nói.
Thu Thảo (Theo Live Science)