Roman Novák, một nông dân chuyên hái nấm, phát hiện mẩu kim loại nhô ra giữa những tảng đá trong khu rừng ở sườn đồi gần nhà riêng tại vùng Jesenicko, Cộng hòa Czech. Khi kéo ra, anh nhận thấy đó là phần lưỡi kiếm. Roman tiếp tục đào xới và tìm thấy thêm một chiếc rìu bằng đồng.
Roman báo cáo phát hiện với các nhà khảo cổ học. Nhóm nghiên cứu đến từ bảo tàng Silesian ở thành phố Opava gần đó lên kế hoạch khai quật khu vực. Thanh kiếm cổ đại có hình dáng đặc biệt ấn tượng. Núm tròn ở chuôi kiếm và cán được trang trí tỉ mỉ với những vòng tròn khắc thủ công và các dấu hình trăng lưỡi liềm xếp thành dàng. Dù bị gãy gần cán, lưỡi kiếm vẫn còn nguyên vẹn.
"Hiện nay, chúng tôi đang kiểm tra kỹ lưỡng khu vực và tìm kiếm thêm cổ vật khác", nhà khảo cổ Jiří Juchelka ở bảo tàng Silesian chia sẻ.
Juchelka và đồng nghiệp đã hoàn thành một số phân tích với thanh kiếm, bao gồm kiểm tra thành phần hóa học và chụp X quang để tìm hiểu kết cấu bên trong. Họ kết luận thanh kiếm bằng đồng được tạo ra vào thời Đồ Đồng ở phía bắc châu Âu, và rất giống kiếm Vasby tìm thấy ở một thị trấn tại Thụy Điển. Kim loại sử dụng để đúc kiếm hé lộ nó có thể được sản xuất ở nơi khác trong khi lưỡi rìu là sản phẩm địa phương.
Theo Juchelka, thanh kiếm là đồ vật rất đắt đỏ ở thời kỳ đó. Kết quả chụp X quang cho thấy nhiều bọt khí trên khắp thanh kiếm, kết quả từ kỹ thuật chế tác đương thời bao gồm đổ đồng nóng chảy vào khuôn thay vì đánh bằng búa để kim loại nóng thành hình như sau này. Các bọt khí cũng giúp lý giải tại sao thanh kiếm không quá cứng chắc. Juchelka cho rằng thanh kiếm có thể được dùng cho các nghi thức nhưng nhóm nghiên cứu không biết chắc tại sao thanh kiếm và chiếc rìu nằm cùng một chỗ trong khu rừng Czech.
An Khang (Theo Live Science)