Sáng 16/5, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết vừa yêu cầu các địa phương trong tỉnh thống kê, rà soát toàn bộ quy trình cấp phát ngân sách cho người dân trong diện chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Theo ông Dũng, quá trình rà soát, các huyện, thị xã nếu phát hiện mẫu đơn in sẵn với nội dung "tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ" do cán bộ cơ sở in phát cho người dân ký thì đều phải hủy bỏ.
"Mẫu đơn in sẵn tuy tiện lợi, nhanh gọn nhưng cách thức chưa phù hợp với tinh thần tự nguyện của người dân", ông Dũng giải thích và cho hay, nếu người dân thực sự muốn từ chối tiền hỗ trợ thì nên tự viết đơn (viết tay), mang đến nộp cho chính quyền. Ai không biết chữ có thể nhờ cán bộ hoặc người thân viết thay, sau đó điểm chỉ vào đơn. Mục đích của đơn này là để lưu hồ sơ thanh toán theo quy định.
Các hộ dân nào trước đây từng ký mẫu đơn in sẵn, nay có nhu cầu lĩnh tiền hỗ trợ theo đúng chế độ, sẽ được tạo điều kiện làm lại thủ tục chi trả hoặc viết lại đơn.
Về thông tin tại xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia có trường hợp trưởng thôn đi vận động người dân ký đơn soạn sẵn "không nhận hỗ trợ", ông Dũng cho hay, ngành đang phối hợp với UBND huyện làm rõ để xử lý.
Những ngày qua tại Thanh Hóa, hàng nghìn người dân ở các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia... được cho đã làm đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ.
Theo tìm hiểu, nhiều chủ hộ xác nhận họ tình nguyện ủng hộ lại khoản tiền cho ngân sách. Tuy nhiên, tại một số thôn xóm có tình trạng cán bộ vận động hộ dân ký vào mẫu đơn in sẵn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương nghiêm cấm vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nếu phát hiện cán bộ nào có hành vi này sẽ xử lý nghiêm khắc.
Trước đó ngày 10/4, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Dự kiến, khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.