Những ngày này huyện Thọ Xuân đang chi trả chế độ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hơn 42.500 dân trên địa bàn đã nhận hỗ trợ, với tổng số tiền gần 45 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch.
Ngoài ra, theo thống kê của huyện, đến ngày 12/5 có 2.419 người từ chối nhận hỗ trợ, trong đó nhóm hộ nghèo, cận nghèo là 2.409 người, 8 người có công và 2 người thuộc diện hưởng bảo trợ xã hội.
Gia đình ông Lê Văn Bảo (65 tuổi, xã Xuân Sinh) là hộ cận nghèo gồm 8 khẩu. Với mức hỗ trợ 750.000 đồng mỗi khẩu (3 tháng), hộ này sẽ nhận được tổng số tiền 6 triệu đồng. Tuy nhiên, cuối tháng 4, ông ký đơn xin không nhận hỗ trợ với một khẩu trong gia đình (còn 7 khẩu vẫn nhận). "Cán bộ thôn động viên ai có lòng hảo tâm thì rút bớt một đến hai khẩu, coi như chia sẻ khó khăn với xã hội. Chúng tôi thấy hợp lý nên tự nguyện rút đi một khẩu", ông Bảo nói, khẳng định không bị ép buộc.
Tương tự, bà Lê Thị Hà (62 tuổi) tình nguyện rút bớt một trong 8 khẩu của gia đình. Theo bà Hà, cán bộ thôn trong cuộc họp trước khi chốt danh sách cấp phát có động viên vì "người dân nhiều nơi còn túng thiếu hơn".
"Gia đình nào đồng ý thì rút, không thì thôi chứ không ai ép buộc được", bà Hà nói thêm.
Riêng hộ ông Lê Xuân Quang, diện cận nghèo với 4 khẩu, đã từ chối nhận toàn bộ số tiền hỗ trợ hơn 3 triệu đồng. Khẳng định "hoàn toàn tự nguyện", ông Quang chia sẻ cảm thấy buồn khi những ngày qua nghe thông tin không đúng trên mạng xã hội về việc gia đình ông "bị ép buộc".
Qua tìm hiểu, nhiều chủ hộ cho hay lá đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ của họ được xã in sẵn; ai tình nguyện ủng hộ chỉ cần điền thông tin, ký vào.
Ông Lê Hữu Duẩn, Trưởng thôn 4, xã Xuân Sinh phủ nhận đã "vận động người dân không nhận hỗ trợ". Toàn thôn có 48 hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ, trong đó 17 hộ tình nguyện rút bớt khẩu.
Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh Lê Chí Tuấn cũng khẳng định, địa phương không có chủ trương vận động hoặc ép buộc người dân mà "tất cả các hộ đều tự nguyện".
Việc rà soát và chi trả được thực hiện theo quy trình: thôn, xóm thống kê gửi lên xã, xã niêm yết danh sách công khai ở trụ sở. Nếu không có thắc mắc của người dân, danh sách được gửi cấp huyện trước khi chuyển UBND tỉnh phê duyệt. Kinh phí do cán bộ bưu điện nhận từ kho bạc và phát trực tiếp đến tay người dân nên "không thể thất thoát". Toàn xã Xuân Sinh có 112 khẩu thuộc các hộ cận nghèo tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.
Về mẫu đơn in sẵn, ông Tuấn lý giải, khi ở thôn lập danh sách thì người dân đã tự nguyện không nhận tiền rồi, đến lúc danh sách gửi lên xã mới biết, song vẫn cần có đơn để làm bằng chứng thanh toán với tài chính và đưa vào hồ sơ lưu. "Ban đầu người dân viết đơn bằng tay, nhưng sau đó nhiều người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ nên cán bộ chính sách làm mẫu đơn để tiện lợi hơn cho người dân", ông Tuấn nói.
Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương cho biết, trường hợp làm đơn từ chối nhận hỗ trợ trước lúc huyện ra quyết định chi tiền sẽ không có trong danh sách; còn người nào có tên trong danh sách nhưng không nhận, khoản tiền này sẽ được chuyển trả lại ngân sách.
Tại huyện Quảng Xương, chiều 13/5 hàng trăm người dân ở xã Quảng Phúc đến trụ sở UBND xã làm thủ tục lĩnh tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Bằng và vợ là Trịnh Thị Trị (67 tuổi) vẫn ở nhà phơi đụn rơm ngoài thửa ruộng mới gặt.
Gia đình ông Bằng là hộ cận nghèo, thuộc diện được hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, hơn tuần trước, ông bà bàn bạc và quyết định từ chối nhận tiền. "Gia đình tôi còn vất vả nhưng đầy người khó khăn hơn mình", bà Trị nói về lý do từ chối nhận khoản hỗ trợ hơn 4,5 triệu dành cho 6 khẩu trong nhà.
Hộ dân này sống trong căn nhà xây ba gian cũ kỹ, nhiều mảng tường đã bong tróc song chưa được sửa chữa. Bên trong nhà, không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc tivi đã mua từ hơn chục năm trước. Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, ông bà Bằng làm 7 sào ruộng, ngoài ba sào được chia theo định mức, ông bà còn thầu thêm 4 sào của những gia đình bỏ hoang. Số thóc thu về chừng hơn một tấn, bà Trị bảo "ăn cả năm không hết". Ngoài ruộng đồng, ông bà chăn nuôi thêm bò, gà, vịt.
"Covid-19 chưa lây lan rộng nên không ảnh hưởng nhiều lắm đến vùng nông thôn ở đây, thóc lúa, rau màu tự cung tự cấp, không đáng ngại", bà Trị nói.
Bà cho hay, gia đình con trai ở chung hộ mới cất căn nhà nhỏ kế bên, tuy nợ nần nhưng sẽ làm lụng lo trả dần. Bà chia sẻ, từng nhiều lần được xã thông báo nhận gạo cứu tế những năm trước nhưng gia đình bà chưa bao giờ đi lĩnh mà để nhường cho người khác khó khăn hơn.
Gia đình bà Trị nằm trong số 75 hộ (304 khẩu) ở xã Quảng Phúc không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Đây là xã có số người từ chối nhận cứu trợ nhiều nhất huyện Quảng Xương, dù nằm trong số địa phương nghèo nhất huyện ven biển này.
"Tôi bất ngờ với phong trào người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ dịp này", Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc Mai Đình Thuỷ nói và khẳng định không có chuyện chính quyền địa phương vận động người dân từ chối chính sách. Hầu hết đơn từ chối hỗ trợ của người dân ở Quảng Phúc đều viết tay.
Ngoài Quảng Phúc, Quảng Hòa và Quảng Lưu cũng là hai xã có nhiều hộ nghèo gửi đơn từ chối nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng; trong đó 26 hộ cận nghèo (khoảng 100 khẩu) ở xã Quảng Hòa và 39 hộ (165 khẩu) ở xã Quảng Lưu.
Khác với Quảng Phúc, tất cả đơn từ chối nhận hỗ trợ ở Quảng Hoà và Quảng Lưu đều được xã in sẵn, để trống một số mục, nếu hộ nào tự nguyện không nhận tiền thì điền thêm thông tin, ký xác nhận và gửi lên xã đóng dấu. Lãnh đạo hai xã Quảng Hà và Quảng Lưu lý giải việc cán bộ xã soạn sẵn đơn "để cho tiện".
"Nhiều người dân khả năng viết lách kém nên đề nghị xã thảo mẫu đơn chung rồi in ra điền cho nhanh", ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lưu nói.
Hôm qua 13/5, trước phản ánh về tình trạng một vài nơi trên địa bàn người dân được vận động không nhận tiền hỗ trợ, lãnh đạo Thanh Hóa ra công điện chỉ đạo kiểm tra chấn chỉnh; yêu cầu các địa phương cấp phát đúng quy định, nghiêm cấm cán bộ vận động, kêu gọi người dân ký đơn từ chối.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã thành lập ba đoàn kiểm tra về các huyện thị xác minh. Theo Giám đốc Sở Trịnh Ngọc Dũng, hiện chưa ghi nhận dấu hiệu bất thường hay việc cán bộ vận động, ép buộc người dân ký đơn.