Hoài Linh là khách mời trong đêm kỷ niệm 40 năm gắn bó sân khấu của Thanh Hằng. Họ diễn trích đoạn Đời cô Lựu, soạn giả Trần Hữu Trang, tái hiện cảnh Lựu (Thanh Hằng) nhận ra Võ Minh Luân - con trai với chồng cũ - vẫn còn sống. Biết tội ác của hội đồng Thăng (Hoài Linh) - người từng khiến gia đình bà tan nát, nhưng bà không thoát khỏi sự kìm kẹp của ông.
Kết thúc trích đoạn, Thanh Hằng lau nước mắt, ôm Hoài Linh. Với chị, Hoài Linh là người bạn quan trọng nhất trong sự nghiệp. Cuối thập niên 1990, chị giã từ sân khấu, sang Australia định cư cùng chồng con. Ở xứ người, không thể đi hát kiếm tiền, chị mưu sinh bằng đủ nghề, từ làm nail đến bán nước trái cây. Có lần, vì thèm hát, chị vào công viên lúc vắng người, bật loa và tự ca diễn. Khi sang Australia lưu diễn, Hoài Linh tình cờ gặp lại chị. Thấy Thanh Hằng chật vật vác từng bao nước đá, anh khuyên chị trở lại vì biết đồng nghiệp vẫn yêu nghề. Vài năm sau, khi con cái đã lớn, Thanh Hằng về nước làm lại từ đầu. Chị được Hoài Linh đưa về nhà cho ở nhờ. Anh còn giới thiệu show cho chị đi diễn, làm giám khảo.
Chị cho biết không có Hoài Linh, đêm nhạc không thể diễn ra, dù được ấp ủ từ 5 năm trước. Khi ấy, Hoài Linh ngỏ ý muốn chị làm liveshow tái ngộ khán giả, lấy tên là Ngày trở về. Bị cuốn theo công việc, chị nhiều lần bỏ lỡ ý định. Gần đây, khi nghệ sĩ Gia Bảo - đàn em thân thiết - đề nghị, chị hỏi ý kiến Hoài Linh và được anh động viên thực hiện chương trình.
Show của Thanh Hằng kéo dài hơn ba tiếng với 250 khán giả. Hóa thân Lựu - từng là vai kinh điển của nghệ sĩ Bạch Tuyết, chị liên tiếp được khán giả tán thưởng. Chị thể hiện nỗi đau của người vợ chịu oan hại chồng cũ, cũng như thể hiện trọn vẹn cảm xúc người mẹ gặp lại con trai sau hàng chục năm biệt tích. Nghệ sĩ khoe làn hơi khỏe khi xuống vọng cổ trong cảnh với em gái Ngân Quỳnh (vai Kim Anh - con Lựu).
Lần lượt, chị thể hiện từng trích đoạn đóng đinh tên tuổi, từ đào mùi, đào lẳng đến đào độc. Diễn vai nữ vương si tình trong Truyền thuyết về tình yêu (soạn giả Nhị Kiều), chị ôn kỷ niệm từng đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang năm 1991 với vở này. Khi đóng Tiếng trống Mê Linh (soạn giả Việt Dung - Vĩnh Điền), chị nhớ lại năm 1992, được cố nghệ sĩ Thanh Sang chỉ định đóng vai Trưng Trắc. Vai này trở thành mốc son trong sự nghiệp của chị.
Thanh Hằng còn chứng tỏ tài ca - diễn qua các tuồng xã hội. Với vở Tướng cướp Bạch Hải Đường (soạn giả Nguyễn Huỳnh), chị lấy nước mắt khán giả khi vào vai Nhung - người vợ chịu tiếng phản bội chồng, đến chết vẫn dằn vặt nỗi đau. Lúc còn ở Australia, đoàn của nghệ sĩ Kim Tử Long sang lưu diễn và thể hiện trích đoạn này, ngồi dưới, chị khóc vì thèm được hát. Thanh Hằng cũng chọn trích đoạn Duyên kiếp (soạn giả Hoàng Song Việt), tái hiện bà Mùi - vai đào độc từng giúp chị đoạt giải Mai Vàng năm 1997.
Chị dành một phần chương trình tri ân gia tộc Thanh Minh Thanh Nga (người thân của "bầu" Gia Bảo - đạo diễn đêm nhạc). Năm 12-13 tuổi, chị theo chân cha mẹ vào đoàn làm diễn viên múa. Nghệ sĩ Thanh Nga uốn nắn cho chị những câu hát trong vở Bên cầu dệt lụa. Vài năm sau, dù rời đoàn, nhớ tình nghĩa với Thanh Nga, chị đổi nghệ danh thành Thanh Hằng, viết tắt của cố nghệ sĩ và Mỹ Hằng - tên thật của chị. Đi diễn hơn 40 năm, chị luôn tự vẽ chân mày vì từng được Thanh Nga dạy kẻ những nét đầu tiên.
Ở show, Thanh Hằng nhiều lần bật khóc vì tình nghệ sĩ lẫn khán giả. Biết tin chị làm show, loạt nghệ sĩ thân thiết đều ngỏ ý được góp mặt. Linh Tâm bị cảm lạnh vì tập tuồng gấp trong hai ngày - thay thế nghệ sĩ Trọng Phúc gặp tai nạn. Thoại Mỹ ốm vẫn cố gắng diễn cùng Thanh Hằng trong vở Duyên kiếp. Nhiều khán giả ở các tỉnh như Biên Hòa, Long An lên xem chị diễn, rồi về nhà trong đêm. Thanh Hằng nói: "Đời nghệ sĩ chỉ cần tình nghĩa đong đầy như thế là mãn nguyện rồi".
Mai Nhật