Chị Huỳnh Hà - con gái đạo diễn cho biết - trước đó, ông điều trị bệnh hô hấp, thận và tim mạch tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 10). Vài ngày trước, gia đình đưa ông về nhà vì sức khỏe ông không tiến triển. Đám tang được tổ chức tại Nhà tang lễ TP HCM.
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - cho biết nghệ sĩ Huỳnh Nga là tên tuổi lớn của nền cải lương miền Nam khi dàn dựng các vở: Đời cô Lựu, Hoa độc trong vườn, Người giữ mộ... Đạo diễn Thanh Hiệp - hậu bối từng nhiều lần làm việc với Huỳnh Nga - nói cố nghệ sĩ là bậc thầy của sân khấu, người đặt nền tảng cho những thủ pháp mộc mạc nhưng thấm sâu trong tâm thức người xem về nghệ thuật cải lương Nam bộ. Anh thường gọi ông là "bố".
"Năm 2013, tôi làm tổng đạo diễn chương trình vinh danh bố tại Nhà hát TP HCM. Khi đó, bố tâm sự nhiều về quá trình dấn thân theo nghề. Với mỗi vở diễn, bố đặt vào đó nhiều ký ức tuổi thơ, tình yêu bền bỉ với nghệ thuật, lắng nghe, quan sát để khẳng định mình", Thanh Hiệp nói.
Huỳnh Nga tên thật là Huỳnh Văn Thạch, sinh năm 1932 tại Long An. Ngoài Đời cô Lựu, ông còn là đạo diễn của nhiều vở cải lương nổi tiếng như Tiếng sáo đêm trăng, Hoa độc trong vườn, Người giữ mộ, Khách sạn hào hoa... Ông góp phần đào tạo, dẫn dắt nhiều nghệ sĩ tài danh như Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Minh Vương...
Những năm về già, vợ chồng ông cùng vợ chồng ba người con trai và 5 người cháu phải ở trong căn hộ tập thể hơn 60 m2. Năm 2017, đạo diễn được Thành ủy TP HCM trao tặng căn chung cư ở quận 4, trị giá hơn hai tỷ đồng. Niềm an ủi ở tuổi già của Huỳnh Nga là sự săn sóc của vợ và con cháu, cùng những lần thăm hỏi, động viên của giới nghệ sĩ như Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Hùng Minh, Minh Vương, Bảo Quốc...
Mai Nhật