Năm tôi học đại học chuyên ngành tài chính kế toán, học phí là 900 nghìn đồng một năm. Tính ra học phí đại học cả năm tương đương chưa đến 01 tháng lương trung bình của người lao động năm đó. Tôi thi đầu vào đạt 26/30 điểm trên 15.5 điểm đậu, đối tượng thuộc khu vực I không có điểm cộng).
Các bạn dưới quê (chỉ cần ở huyện Thủ Đức, chưa nói đến các tỉnh) còn được ở ký túc xá với mức giá 90 nghìn đồng một tháng. Bạn nào có học bổng thì được nhận 49 nghìn đồng một tháng, các bạn người miền núi, dân tộc thiểu số được 99 nghìn đồng một tháng và được miễn học phí, chi phí ở ký túc xá.
Cũng nhờ mức học phí 900 nghìn đồng của những năm đó, mà các bạn tôi là những sinh viên nghèo ham học, hiện nay đã trở thành hai Hiệu trưởng của các trường đại học lớn, một Phó Tổng Giám đốc ngân hàng lớn, vài giám đốc chi nhánh các ngân hàng lớn, nhiều chủ doanh nghiệp, vài giám đốc và phó giám đốc các kho bạc Nhà nước... Còn làng nhàng chức trưởng phòng như tôi thì đếm không hết.
Nếu với mức học phí hiện nay, một số bạn chắc phải bỏ dở việc học. Và nếu học phí tiếp tục tăng nữa, thì bây giờ tôi và các bạn chắc phải chạy xe ôm hoặc làm phụ hồ. Năm đó, chúng tôi vừa đi học vừa chạy xe ôm, phục vụ nhà hàng, quán ăn hoặc làm phụ hồ, đứa giỏi chút thì làm gia sư... để kiếm thêm tiền trang trải.
Tôi nghĩ, trường đại học phải chia hai loại: công và tư. Công thì nhà nước tài trợ học phí, tư thì tự lo. Mức học phí nếu tăng lên thành 40 triệu đồng một năm tương đương 5-6 tháng thu nhập bình quân, (có học bổng vẫn phải đóng học phí) liệu học sinh nghèo có cơ hội để thay đổi cuộc sống hay không, dù có cố gắng?
Lee Hung
>>Ý kiến của bạn thế nào về học phí đại học? Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.