Năm 2010 tôi có một người bạn có số vốn 20 tỷ đồng đổ vào đầu tư bất động sản (BĐS). Sau đó, người bạn này dùng số BĐS thế chấp ngân hàng và vay thêm 10 tỷ đồng bên ngoài khi đã "cắm" hết cả ngôi nhà và đất có từ trước. Tổng số tiền đầu tư BĐS lên đến 40 tỷ đồng.
Khi chu kỳ BĐS đi xuống, anh ấy không cắt lỗ mà cố gồng lãi. Đến năm 2015, không chịu nổi nhiệt nữa, bị siết nợ, tổng số tiền thu về không quá 20 tỷ đồng. Vậy mà vẫn còn nợ 30 tỷ đồng.
Từ một người có 20 tỷ tiền tích lũy, trở thành con nợ 30 tỷ. Nhà cửa đất đai mất tất cả, sau đó đi biệt tích để trốn nợ. Vậy nên ai đang vay nợ để mua BĐS, có gan cứ chờ đến lúc thị trường khởi sắc. Nhưng nên nhớ rằng vốn vay ngân hàng sau 5 năm là gấp đôi, có nghĩa là BĐS phải tăng giá gấp hai mới hòa vốn.
Hiện nay, trừ BĐS ở thành phố, thị xã người mua có nhu cầu sử dụng thật còn hàng loạt BĐS vùng ven chỉ là mua đi bán lại, có nhiều khu đô thị ma xuất hiện do tăng trưởng nóng của thị trường.
Phải chờ thời gian rất lâu, 10 -15 năm sau chắc gì đã phủ kín người ở, khi nào mới nổi sóng? Bao nhiêu khu đô thị xây cách đây hơn chục năm vẫn toàn có nhà hoang, cỏ dại thật là lãng phí vô cùng
Ở chỗ tôi ở, vùng ven Hà Nội cách chỉ có 15 km là sang đến trung tâm. Cách đây khoảng ba năm từ 2019-2022 các văn phòng BĐS mọc lên như nấm, môi giới lượn như cá cảnh, người người, nhà nhà môi giới, đầu tư BĐS.
Lúc đó, người ở khắp nơi kéo về đông vui lắm, thể mà từ cuối năm 2022 đến nay "vắng như chùa bà Đanh". Một huyện vùng ven mà dầy đặc đô thị với những căn nhà triệu đô, đất nền mấy chục triệu một m2 .
Đơt vừa qua, những nhà đầu tư đã chôn hàng ngàn tỷ đồng vào BĐS quê tôi bây giờ cắt lỗ một nửa mà chẳng có ai mua. Tương lai xuất hiện đô thị ma với đất nền bỏ hoang không biết đến bao giờ.
Trận động đất này sẽ cuốn sạch tiền bạc, cơ đồ của cả nhà đầu tư lẫn cò lướt sóng. Tôi thấy thế này, nếu dũng cảm cắt lỗ thì còn có cơ may giữ lại được phần vốn bỏ ra đầu tư BĐS còn không nhiều người không còn nhà để ở.
Hạt Ớt
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.