"Tôi có anh bạn rất mong muốn làm bác sĩ từ nhỏ, nhưng thi đại học không đủ điểm, anh ấy học từ trung cấp, ra làm y tá rồi tiếp tục học lên bác sĩ, rồi bác sĩ nội trú... Bây giờ sau 25 năm từ ngày tốt nghiệp cấp 3 thì anh ấy đã là bác sĩ giỏi ở bệnh viện lớn.
Từ lúc con tôi học lớp 6, tôi thì không muốn cho đi học thêm nhưng vợ tôi thì không chịu vì sợ thầy cô giáo trù dập con mình, cho điểm thấp.
Con tôi cũng kể lớp có nhiều bạn không học thêm và điểm tổng kết thấp, còn con tôi đi học thêm lúc nào cũng 9-10.
Nhưng khi tôi kiểm tra những kiến thức bình thường thì con tôi mắc sai sót rất nhiều, chỉ đạt 7 điểm là cùng. Cháu không chịu học bài trước hoặc xem lại bài về nhà vì nói kiểu gì cũng phải học khi đến lớp học thêm rồi.
Vì thế cho nên tôi không đồng tình việc xét tuyển bằng học bạ, nó không khiến học sinh chăm học hơn mà chỉ là cái cớ để giáo viên ép học sinh học thêm nhiều hơn mà thôi.
Đồng thời, có những học bạ "đẹp đến vô lý" khi hầu hết các môn học đều tổng kết 10.00, nghĩa là đứa trẻ ấy là một học sinh " hoàn hảo, giỏi toàn diện".
Trước đây tuyển sinh đại học 27 điểm 3 môn đã là khủng khiếp lắm rồi, nhưng giờ nhiều trường 30 điểm chưa chắc đã đỗ vì có nhiều cháu đã 30 điểm lại còn có thêm điểm ưu tiên nữa.
Với việc thi vào lớp 10 khó khăn như hiện nay thì các cháu học sinh đã được vào cấp 3 là đủ khả năng hoàn thành chương trình. Thế nên theo tôi cũng không cần phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm gì cả. Cứ hoàn thành 3 năm chương trình học là được cấp bằng tốt nghiệp thôi.
Còn việc tuyển chọn vào đại học thì hãy trả lại quyền cho các trường lựa chọn đúng sinh viên phù hợp để họ đào tạo chứ không phải dựa trên điểm thi tốt nghiệp một số môn rồi miễn cưỡng lựa chọn người. Các trường đại học cũng nên tăng tuyển người đã đi làm, đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng".
Độc giả Quang Tan bình luận và nêu quan điểm như trên, cho rằng việc xét tuyển bằng học bạ tạo ra áp lực học thêm, điểm số ảo và học bạ "đẹp vô lý", đồng thời đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT, cấp bằng dựa trên hoàn thành chương trình học, và trao quyền tuyển sinh cho các trường đại học.
Bình luận này được viết sau bài Lý do Bộ Giáo dục tăng điểm học bạ trong xét tốt nghiệp. Theo đó, việc tăng tỷ lệ điểm học bạ nhằm đánh giá toàn diện học sinh, giúp giảm áp lực khi những em trung bình cũng có thể tốt nghiệp được, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ ban hành ngày 24/12 có nhiều điểm mới, trong đó trọng số điểm học bạ của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 là 50%, còn lại là điểm thi tốt nghiệp. Trước đây, kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp. Thay đổi này trong bối cảnh điểm học bạ khiến dư luận và nhiều chuyên gia nghi ngại, vì cho rằng việc kiểm tra, đánh giá ở các trường và các địa phương là không đồng đều. |
Hữu Nghị tổng hợp