Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 8/7 đăng trên Twitter video ông đứng chờ trên đường băng tại sân bay Istanbul khi một đoàn xe tiến đến.
Khi 5 hành khách bước xuống xe, lãnh đạo Ukraine chào đón từng người bằng một cái bắt tay thật chặt và cái ôm thân thiện. Có thể cảm nhận rõ niềm hạnh phúc trên gương mặt ông.
"Chúng tôi đang từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về nhà và đưa các anh hùng của chúng ta hồi hương", Tổng thống Zelensky cho biết trong dòng tweet đăng kèm video.
"Về mặt quân sự, động thái này không quan trọng, nhưng về mặt ngoại giao và chính trị, đó là một chiến thắng to lớn với Ukraine", Jeff Hawn, chuyên gia nghiên cứu xung đột từ Viện New Lines, trụ sở tại Washington, nhận xét. "Những người này được coi là biểu tượng kháng cự trước quân đội Nga và giờ họ đang trở về nhà".
Denys Prokopenko, Svyatoslav Palamar, Serhiy Volynsky, Oleh Khomenko và Denys Shleha từng là chỉ huy tiểu đoàn Azov đã cầm cự tại nhà máy thép Azovstal của Mariupol trong hơn hai tháng, trước khi họ được lệnh đầu hàng hồi tháng 5/2022.
Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian tháng 9 năm ngoái, các chỉ huy này không được phép về nước cho đến khi chiến sự kết thúc. Việc Ankara trao trả họ đã khiến Moskva nổi giận.
"Không ai thông báo cho chúng tôi. Theo điều khoản của thỏa thuận, những người này phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột chấm dứt", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Trong khi đó, Viktor Bondarev, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga, cho rằng đây là "cú đâm sau lưng" và là bước đi không thân thiện của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia Hawn, nỗ lực đàm phán để đưa 5 chỉ huy Azov về nhà mang đến cơ hội thúc đẩy uy tín hoàn hảo cho Tổng thống Zelensky, đồng thời là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang muốn thoát dần khỏi ảnh hưởng của Nga. Từ đây, các thỏa thuận giữa Moskva và Ankara có thể trở nên khó khăn hơn.
Trao trả 5 chỉ huy Azov cho Ukraine là cách Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện "tinh thần đoàn kết" với Ukraine, Hawn nhận định. "Không chỉ lời nói mà có cả hành động. Đây là điều có ý nghĩa lớn lao bởi Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có phần thân thiện với Nga và họ đang chuyển hướng".
Thổ Nhĩ Kỳ còn có hành động quyết đoán hơn vào hôm 10/7 khi quyết định ủng hộ đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, sau hơn một năm phản đối.
Hội nghị thượng đỉnh cũng chứng kiến một cuộc gặp riêng diễn ra giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và lãnh đạo Hội đồng châu Âu Charles Michel trong bối cảnh cả Thụy Điển và NATO đều cam kết "hỗ trợ nỗ lực thúc đẩy quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ankara".
Ngày hôm sau, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch chuyển giao tiêm kích F-16 bị đình trệ từ lâu cho Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù thương vụ này vẫn cần quốc hội phê duyệt.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây vì lợi ích của mình, điều này có thể gây thêm thách thức với Nga. Hawn cho rằng một Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về phương Tây sẽ khiến Nga khó đối phó lệnh trừng phạt hơn.
"Điều đó có thể trở nên rất đau đớn về mặt kinh tế đối với Nga vì Thổ Nhĩ Kỳ được cho là vẫn nhắm mắt làm ngơ trước các biện pháp mà Moskva áp dụng để lách lệnh trừng phạt", ông nói.
Ryhor Nizhnikau, nhà nghiên cứu cấp cao, chuyên gia về Ukraine tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, nhận định việc các chỉ huy Azov trở về nước sẽ phần nào nâng cao sĩ khí cho các binh sĩ Ukraine, trong bối cảnh họ đang phát động chiến dịch phản công quy mô lớn. Ít nhất một chỉ huy Azov đã ngụ ý muốn quay lại chiến trường sau khi về Ukraine.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Tổng thống Zelensky vẫn cần thận trọng, bởi xu hướng cực hữu của tiểu đoàn Azov. Nga cho rằng các thành viên tiểu đoàn này là những "phần tử tân phát xít", trong khi Ukraine đánh giá họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Nizhnikau cũng lưu ý rằng "không phải tất cả các chỉ huy Azov đều ủng hộ Zelensky".
Theo Hawn, việc hồi hương 5 chỉ huy Azov có thể làm phát sinh các vấn đề chính trị cho ông Zelensky về lâu dài, nhưng trước mắt, ông không thể bỏ qua một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ giúp mang lại lợi thế cho Ukraine.
Vũ Hoàng (Theo AFP)