Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 17/10 tới Thổ Nhĩ Kỳ để thuyết phục nước này ngừng tấn công người Kurd ở miền bắc Syria.
Sau cuộc thảo luận cùng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, ông tuyên bố đã đạt được với Ankara một lệnh ngừng bắn tại đông bắc Syria có hiệu lực trong vòng 120 giờ. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đồng minh đồng ý tạm ngừng chiến dịch quân sự Mùa xuân Hòa bình nhằm vào các lực lượng người Kurd tại đông bắc Syria vốn được Mỹ hậu thuẫn. Đổi lại, lực lượng người Kurd cũng nhất trí ngừng bắn và lui quân trong 120 giờ nói trên.
![Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) bắt tay Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc thảo luận ngày 17/10 ở Ankara. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/10/18/ipanews-d1d2ae46-e4ad-4212-9a4-3274-2659-1571374385.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0vZh4jfk3EPilud9-Fyh5Q)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) bắt tay Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc thảo luận ngày 17/10 ở Ankara. Ảnh: AP.
Không lâu sau, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đình chỉ chiến dịch Mùa xuân Hòa bình để đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Syria (NDF) rút khỏi những vùng đệm an ninh đã được thiết lập. Tuy nhiên, Ankara lưu ý đây không phải lệnh ngừng bắn.
Theo giới chuyên gia, điều tích cực nhất mà thỏa thuận đạt được là nó có thể ngăn chặn đổ máu tại những vùng đất người Kurd đang kiểm soát ở bắc Syria. Nhưng cái giá phải trả dành cho người Kurd, đồng minh lâu năm hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, rất nặng nề, khi hàng chục nghìn người Kurd sẽ bị mất nhà cửa vì phải rút khỏi vùng đệm rộng 30 km dọc biên giới.
Ngay cả giới chức Lầu Năm Góc cũng đang bối rối trước câu hỏi những người này sẽ đi về đâu, trong khi bản thân họ cũng chưa rõ cái giá mà Mỹ phải trả cho những rối ren hiện nay với đồng minh người Kurd sẽ lớn đến mức nào.
Trong 11 ngày qua, quân đội Mỹ đã hối hả rút khỏi các tiền đồn quan trọng ở biên giới phía bắc Syria, đẩy dân quân người Kurd vào tình thế đối đầu trực diện với lực lượng chính quy Thổ Nhĩ Kỳ và tạo điều kiện cho quân đội chính phủ Syria và lực lượng Nga quay trở lại biên giới phía bắc. Điều này làm lung lay niềm tin ở các đồng minh của Mỹ rằng trong những thời điểm căng thẳng, Washington sẽ đứng về phía họ.
"Giống như Mỹ đang nhượng bộ hoàn toàn trước mọi thứ mà người Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu", Eric S. Edelman, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, bình luận. "Tôi chưa nhìn thấy người Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ điều gì".
Thực tế, nếu các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Trump áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ được gỡ bỏ như lời Phó tổng thống Pence hứa hẹn, cái giá mà Ankara phải trả sẽ thấp hơn nhiều so với Moskva khi họ sáp nhập Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014. Các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Nga đến nay vẫn còn hiệu lực.
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những người chiến thắng khác ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, bên lâu nay vẫn coi các nhóm người Kurd là khủng bố sống dựa vào sự hậu thuẫn từ Mỹ.
Đầu tiên là Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã gây được ảnh hưởng ngày càng lớn tại Trung Đông, nơi mà cho đến tận năm 2015, Moskva hầu như vẫn chưa có "tiếng nói" đáng kể. Hiện tại, Putin là người đóng vai trò chính và đã lấp đầy những khoảng trống chính trị cũng như lãnh thổ mà Trump để lại sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố rút quân.
Chiến thắng cũng gọi tên Iran. Họ lâu nay vẫn sử dụng Syria như một tuyến đường vận chuyển tên lửa cho lực lượng Hezbollah và phô diễn sức mạnh trên khắp khu vực. Khi Mỹ không còn hiện diện, Tehran sẽ bớt được một trở ngại. Đây là điểm gây khó hiểu nhất trong quyết định rút quân của Tổng thống Trump bởi nó đi ngược lại chiến lược "gây áp lực tối đa" lên Tehran mà ông đang theo đuổi.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đứng trước thời cơ lớn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vốn gặp rất nhiều khó khăn một khi quân đội Mỹ vẫn còn hiện diện trên đất Syria. Các đơn vị quân đội Syria được cho là từng tìm cách tấn công đơn vị đồn trú của Mỹ ở đông bắc nước này, nhưng phải nhanh chóng thoái lui trước hỏa lực áp đảo của đối phương.
Nhưng Tổng thống Trump có cách nhìn khác. "Tôi vui mừng thông báo về một thành công vang dội liên quan đến vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói với các phóng viên sau khi Phó tổng thống Pence thông báo về thỏa thuận với Ankara. "Đây là một kết quả tuyệt vời..., là điều mà họ đã cố gắng đạt được trong suốt 10 năm qua".
![Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên một con đường tại tỉnh Sanliurfa, gần biên giới với Syria, ngày 14/10. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/10/18/FHVIO53ZDRD67HRHU4AQWVLEBM-3228-1571374385.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=30gpLYpjWovCMgJCOcq4rg)
Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên một con đường tại tỉnh Sanliurfa, gần biên giới với Syria, ngày 14/10. Ảnh: AP.
Niềm hân hoan của Trump cho thấy một quan điểm rất khác so với các tướng quân đội, nhà ngoại giao của ông hay giới lãnh đạo đảng Cộng hòa, những người cho rằng ông đã gây tổn hại tới uy tín cũng như ảnh hưởng mà Mỹ đã dày công xây dựng trên toàn cầu.
Trong khi đảng của Trump và cả đảng Dân chủ cáo buộc ông phản bội đồng minh, hỗ trợ Nga, Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định ông đơn giản chỉ đang thực hiện lời hứa từ chiến dịch tranh cử, đưa binh sĩ về nước từ "những cuộc chiến tranh vô tận".
Một số thành viên đảng Cộng hòa cũng tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận đạt được ở Ankara. "Thông báo hôm nay đang được khắc họa như một chiến thắng. Nó còn lâu mới là một chiến thắng", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney nhấn mạnh. "Với những chi tiết ban đầu trong thỏa thuận ngừng bắn, chính quyền cần giải thích được vai trò tương lai của Mỹ ở khu vực là gì, điều gì sẽ xảy ra với người Kurd và vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không phải chịu bất kỳ hậu quả nào".
"Thỏa thuận cũng không thể thay đổi thực tế là Mỹ đã bỏ rơi một đồng minh", ông nói thêm.
Tại Lầu Năm Góc chiều 17/10, các quan chức cấp cao đang không hiểu họ sẽ thực hiện thỏa thuận giữa Phó tổng thống Pence và Tổng thống Erdogan như thế nào.
Một số quan chức dân sự và quân sự phàn nàn rằng thỏa thuận đã để lại những lỗ hổng lớn về chính sách và hậu cần, cùng hàng loạt câu hỏi khi mà các cam kết hai bên đạt được dường như mâu thuẫn với tình hình đang diễn ra nhanh chóng trên chiến trường.
Với việc Mỹ đang hối hả rút 1.000 binh sĩ khỏi Syria, các quan chức không biết lực lượng này có thể tiến hành hoạt động chống khủng bố với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nào, hay liệu người Kurd ở Syria có tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận rút lui không bởi nếu như vậy, họ rõ ràng đã thừa nhận thất bại.
Các câu hỏi chưa dừng lại ở đó. Vùng đệm bên trong Syria cần lớn và sâu đến đâu để có thể mang đến cho Thổ Nhĩ Kỳ một vùng an toàn ngăn cách giữa biên giới của họ và những chiến binh người Kurd? Vùng an toàn ban đầu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ mường tượng ra dài 120 km và sâu khoảng 32 km. Nhưng đấy là trước khi Tổng thống Trump bật đèn xanh cho chiến dịch quân sự của Ankara và hiện giờ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua ranh giới trên.
Mỹ cần làm gì với các lực lượng của Tổng thống Assad và đồng minh Nga, bên mà dân quân người Kurd đã tìm đến sau khi bị Washington bỏ rơi?
Hiện cũng chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ có được yêu cầu rút toàn bộ hoặc một phần lực lượng đã điều động tới Syria hay không. Một quan chức Mỹ cho hay lý do Ankara đồng ý thỏa thuận với Washington là vì người Kurd đang kháng cự mạnh mẽ hơn dẫn đến việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiến xa hơn về phía nam.
Nhiều quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ từng làm việc về chính sách Syria hay từng được triển khai tới đông bắc Syria tỏ ra bất ngờ, phẫn nộ xen lẫn hoài nghi khi chính quyền lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tuần nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo họ, Tổng thống Erdogan là bên chiến thắng áp đảo và có lẽ đã đạt được mọi điều ông muốn.
Giới chức quân sự Mỹ cho hay họ "choáng váng" trước việc thỏa thuận này về cơ bản đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sáp nhập một phần lãnh thổ Syria, khiến hàng chục nghìn người Kurd mất nhà cửa và xóa sạch những thành quả của nhiều năm chiến đấu chống IS.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)