Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Note 20. Nhập khẩu hàng hóa ước khoảng 23 tỷ USD, tăng 4,1%.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính hơn 174 tỷ USD, tăng 1,6%. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 162,2 tỷ USD, giảm 2,2%. "Diễn biến phức tạp của Covid-19 trong nước và trên thế giới vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Mặc dù giá trị xuất nhập khẩu chỉ xấp xỉ cùng kỳ, con số xuất siêu gần 12 tỷ USD là kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Hai năm 2018 và 2019, Việt Nam chỉ xuất siêu 2,8 tỷ và 3,4 tỷ USD.
Kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tăng 15,3%, nhập khẩu tăng 2,9%. Giá trị xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,5%, nhập khẩu giảm 6%.
Nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD có 27 mặt hàng, chiếm 89,7% tổng kim ngạch. Trong đó, 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD gồm điện thoại và linh kiện với giá trị xuất khẩu 31,5 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD; hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD và giày dép đạt 10,9 tỷ USD.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 8 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính gần 152 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng nhập khẩu hơn 10 tỷ USD, giảm 9,2%.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch 46,7 tỷ USD trong 8 tháng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 27 tỷ USD, tăng 13%, thị trường EU đạt 22,9 tỷ USD, giảm 4%.
Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 49,3 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với kim ngạch nhập khẩu 28,7 tỷ USD, ASEAN đạt 19,4 tỷ USD, Nhật Bản đạt 12,8 tỷ USD và Mỹ đạt 9,4 tỷ USD.
Minh Sơn