Tính đến 8h sáng nay, các ứng viên dân chủ đã giành được đa số phiếu tại phần lớn hội đồng quận trong thành phố, chiếm 333/452 ghế, trong khi phe ủng hộ chính quyền giành được 52 ghế, theo ước tính của truyền thông. Trong khi đó theo thông tin trên SCMP, tính đến 9h, phe dân chủ đã giành chiến thắng tại 17/18 hội đồng quận.
Tất cả hội đồng quận đều do phe ủng hộ chính quyền kiểm soát trong cuộc bầu cử năm 2015 và phe dân chủ khi đó chỉ chiếm 100 ghế. Kết quả mới nhất này phản ánh một thực tế là ý chí của phe ủng hộ dân chủ tại Hong Kong đã được đón nhận, giới chuyên gia đánh giá.
Rất nhiều nhà vận động dân chủ gọi kết quả cuộc bầu cử ngày 24/11 là "bước ngoặt quan trọng". "Có một sự thức tỉnh sâu sắc bên trong người dân Hong Kong", Alan Leong, chủ tịch đảng Dân sự, nói.
Cuộc đua hội đồng quận ở Hong Kong từ trước tới nay thường có xu hướng tập trung vào các vấn đề công cộng như đáp ứng nhu cầu của khu dân cư về trạm xe buýt hay đèn giao thông. Nhưng cuộc bầu cử hội đồng quận năm nay lại mang ý nghĩa khác, được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng bất ổn chính trị tồi tệ nhất mà đặc khu đang trải qua sau hàng thập kỷ.
Theo giới quan sát, chiến thắng tại hòm phiếu nhiều khả năng sẽ thúc đẩy phong trào dân chủ ở Hong Kong, vốn đang gặp khó khăn trong việc giữ cân bằng giữa biểu tình ôn hòa và bạo lực, đạt được các mục tiêu đề ra. Nó cũng có thể làm trầm trọng hơn những thách thức đối với chính quyền trung ương Trung Quốc, bên đang muốn kiềm chế tình trạng bất ổn tại đặc khu.
Mặt khác, kết quả còn có thể mang lại cho cư dân Hong Kong tiếng nói lớn hơn trong vấn đề lựa chọn chính phủ.
Chủ tịch đảng Dân sự Leong kêu gọi Trung Quốc thay đổi chính sách về Hong Kong. "Nếu đảng Cộng sản Trung Quốc không làm gì để giải quyết các mối quan tâm của người dân Hong Kong, tôi nghĩ phong trào này không thể chấm dứt", ông tuyên bố, đề cập tới các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Vài người ủng hộ dân chủ đã hy vọng chiến thắng tại cuộc bầu cử hội đồng quận sẽ giúp họ có nhiều lợi thế hơn khi ủy ban bầu cử lựa chọn trưởng đặc khu, tuy nhiên, đây thực sự là một tương lai còn khá xa.
Trước cuộc bầu cử, các lãnh đạo đặc khu lo ngại cuộc bỏ phiếu có thể bị hủy vì tình trạng hỗn loạn suốt nhiều tháng qua. Một số vụ đụng độ căng thẳng nhất giữa người biểu tình và cảnh sát đã nổ ra vào tuần trước, biến hai ký túc xá trường đại học thành chiến trường.
Nhưng bầu không khí tại Hong Kong hôm qua tương đối bình lặng và tỷ lệ cử tri đi bầu cao ngoài sức tưởng tượng. Người đi bỏ phiếu xếp thành hàng dài tại các điểm bầu cử từ sáng cho tới chiều tối.
David Lee, gần 90 tuổi, là một trong những cử tri đi bỏ phiếu đầu tiên. Ông nói mình đi bầu hội đồng quận vì muốn dân chủ. "Đấy là điều quan trọng", ông nhấn mạnh.
Joseph Cheng, cựu giáo sư Đại học Thành phố Hong Kong, từng dự đoán các ứng viên ủng hộ dân chủ sẽ khó lòng giành được thắng lợi áp đảo. Những ứng viên ủng hộ Bắc Kinh được hỗ trợ tài chính tốt hơn và các cuộc đua cấp quận thường chỉ tập trung vào những vấn đề mang tính địa phương, không phải các câu hỏi lớn như tính dân chủ.
Nhưng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã vọt lên mức 71%, vượt quá kỳ vọng. Thông thường, tại các cuộc bầu cử hội đồng quận, tỷ lệ này chỉ đạt hơn 40%. 4 năm trước, sau khi Phong trào Ô dù năm 2014 làm gia tăng sự quan tâm của công chúng đối với các vấn đề chính trị, tỷ lệ đi bầu tăng lên 47%. Năm nay, lượng cử tri đạt mức kỷ lục.
Sau thất bại ngày 24/11, Michael Tien, một nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh nhận định sự gia tăng số lượng các cử tri trẻ tuổi là dấu hiệu cho thấy họ đang ngày càng quan tâm tới chính trị và chính quyền nên lắng nghe tiếng nói của họ.
Regina Ip, thành viên nội các, lãnh đạo một đảng chính trị ủng hộ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, cho hay bà bất ngờ khi nhìn thấy rất đông cử tri trẻ có mặt tại các điểm bỏ phiếu. Nhiều người trực tiếp đến gặp bà để nêu lên yêu cầu từ người biểu tình.
"Bình thường, người trẻ không đi bầu. Nhưng lần này, phe đối lập đã làm họ thay đổi", bà nói.
Kenneth Chan, chuyên gia về chính trị và nhà nước tại Đại học Baptist, Hong Kong, tỷ lệ hơn 70% cử tri đi bầu cho thấy rõ ràng mong muốn của người dân đặc khu đối với dân chủ và họ "dựa vào cuộc bầu cử này để tìm ra lối thoát khỏi bế tắc".
Lawrence Reardon, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Hampshire, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, gọi tỷ lệ cử tri đi bầu vào hôm qua là con số "phi thường", nhưng lưu ý đến việc cử trị không có cơ hội bỏ phiếu bầu trưởng đặc khu.
"Cuộc bỏ phiếu vừa qua chứng tỏ các cử tri, cả già lẫn trẻ, đang ủng hộ phong trào dân chủ", Reardon nhận xét. "Nó sẽ khiến các lãnh đạo đảng ở Bắc Kinh phải thận trọng hơn".
"Đây là thông điệp quan trọng gửi tới chính quyền rằng người dân Hong Kong tin vào dân chủ, pháp quyền và nhân quyền", David Alton, thành viên Thượng viện Anh được mời tham gia giám sát cuộc bầu cử ở Hong Kong, cho biết. "Các cuộc bầu cử diễn ra hòa bình, có vẻ công bằng và được kiểm soát tốt".
"Nó mang đến cho cử tri cơ hội để thể hiện một cách ôn hòa rằng họ không hài lòng với chính quyền Hong Kong, cảnh sát Hong Kong và cả những người được Bắc Kinh ủng hộ", Stanley Rosen, giáo sư khoa học chính trị kiêm chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nam California, nói.
Hong Kong chứng kiến các cuộc biểu tình bùng phát từ tháng 6, ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi chính quyền Hong Kong tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu cầu khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, tổ chức bầu cử dân chủ và Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.
Kết quả yếu kém của các đảng phái ủng hộ chính quyền trong cuộc bầu cử hội đồng quận là bằng chứng cho thấy hành động ủng hộ dự luật dẫn độ đã gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của họ trong mắt công chúng. Nó còn cho thấy khả năng giới hạn của họ trong việc thuyết phục cử tri dù nhận được nhiều hỗ trợ từ Trung Quốc đại lục.
Matthew Cheung, Tổng thư ký đặc khu, quan chức cấp cao thứ hai tại Hong Kong, hôm qua tuyên bố lãnh đạo thành phố sẽ chú ý đặc biệt tới kết quả của cuộc bỏ phiếu bất kể nó nghiêng về hướng nào.
"Cuộc bầu cử hội đồng quận là nhiệt kế chính trị quan trọng", ông nhấn mạnh. "Chúng tôi chắc chắn sẽ nghiêm túc xem xét nó".
Sáng nay, Carrie Lam nói rằng chính quyền tôn trọng kết quả bầu cử và cam kết lắng nghe quan điểm của công chúng với "tâm trí cởi mở". Bà cũng hy vọng thành phố tiếp tục duy trì sự yên bình, an ninh và trật tự.
Vũ Hoàng (Theo New York Times, CNN, USA Today)