Đầu tháng 6, bà Susan Schwab - người sẽ được Thượng viện Mỹ phê chuẩn chức Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ thay ông Rob Portman vào ngày 16/5 tới - sẽ sang VN tham dự Hội nghị Bộ trưởng thương mại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Theo dự kiến, bà Susan sẽ đại diện phía Mỹ để tham dự lễ ký kết này.
Lối vào trụ sở WTO tại Geveva. (Ảnh: AFP) |
Cho đến thời điểm này, hai bên vẫn chưa ra thông cáo báo chí chính thức. Theo thông tin mà VnExpress có được, đêm nay Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự và các thành viên trong đoàn đàm phán VN sẽ về tới Hà Nội. Sẽ có 4 chuyên viên ở lại để cùng với phía Mỹ hoàn tất nốt việc soạn thảo biên bản cho thỏa thuận vừa đạt được. Riêng Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển sẽ sang Manila, Phillippines tham dự Hội nghị bộ trưởng thương mại ASEAN.
Sau khi kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, VN sẽ phải tiếp tục phiên đàm phán đa phương mới - dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 - để kịp hoàn tất thủ tục gia nhập WTO trước khi Hội nghị cấp cao APEC diễn ra cuối năm nay. Đến thời điểm đó, nếu Mỹ chưa kịp trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho VN nhưng "bật đèn xanh" cho Geneva thì VN vẫn có thể trở thành thành viên của tổ chức này trước khi diễn ra hội nghị APEC.
Các thành viên của đoàn VN đã bắt tay vào soạn thảo biên bản cho thỏa thuận vừa đạt được. Một trong những vấn đề gây vướng mắc nhất và khiến đàm phán kéo dài hơn dự kiến là quyết định 55 về huy động 4 tỷ USD để tăng tốc ngành dệt may VN đã được hai bên thống nhất như sau: VN sẽ hủy bỏ quyết định này ngay khi chính thức trở thành thành viên WTO và sẽ ngừng áp dụng các điều khoản trong quyết định về trợ cấp cho doanh nghiệp dệt may kể từ khi hai bên chính thức ký kết thỏa thuận đàm phán. Trong một vấn đề khác gây nhiều tranh cãi, phía Mỹ đồng ý sẽ đối xử với VN như một nước có nền kinh tế thị trường sau 12 năm kể từ khi VN chính thức gia nhập WTO. Đây là một nhân nhượng đáng kể từ phía Mỹ trong khi với Trung Quốc, Mỹ yêu cầu thời hạn này là 15 năm. (Theo Tuổi Trẻ) |
Hà Vy