Theo Bộ Công Thương, gia cầm nhập lậu còn được đưa qua Hải Phòng tập kết sau đó đưa về Thái Bình tiêu thụ hoặc vào miền Trung. Tại 8 tỉnh, thành phố Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 900 vụ, phạt hành chính 6,6 tỷ đồng, tịch thu 243 tấn gia cầm, hơn 152.000 trứng gia cầm.
Riêng tháng 11, chi cục quản lý thị trường đã phát hiện 12.000 con gà nhập lậu từ Trung Quốc vào Quảng Ninh, 200 lồng gà nhập lậu với trọng lượng 4 tấn vào Ba Vì (Hà Nội). Bộ Công Thương cho biết, việc vận chuyển gia cầm nhập lậu chủ yếu thông qua các phương tiện vận tải lớn, mui trần, và đưa vào tận chợ. Bộ đánh giá, gà thải có nguồn gốc từ Trung Quốc được tổ chức thành đường dây, tổ chức chặt chẽ từ biên giới vào nội địa.
Gà thải không rõ nguồn gốc giá từ bên kia khoảng 15.000 đồng mỗi kg, khi về đến Móng Cái, Quảng Ninh, giá bị đẩy lên tới 30.000-35.000 đồng mỗi kg. Đến chợ, mức giá này lên tới 65.000-70.000 đồng mỗi kg, nhưng vẫn còn rẻ hơn rất nhiều giá gà trong nước và nhập khẩu chính ngạch. Khi các trại chăn nuôi thải loại gia cầm với số lượng lớn thì giá rất rẻ nên kích tích các đầu nậu gia tăng nhập lậu.
Bộ Công Thương cam kết sẽ ngăn chặn tình trạng nhập lậu. Đến trước 31/3/2013, tại các tỉnh thành phố sẽ không còn quá 5% hộ kinh doanh gia cầm nhập lậu. Riêng tại Hà Nội, Bộ Công Thương sẽ kiểm soát được 100% gia cầm lậu đưa vào tiêu thụ trên địa bàn. Gia cầm nhập khẩu ở các chợ đầu mối phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Hoàng Lan