13 hiệp hội doanh nghiệp hồi cuối tháng 10 gửi văn bản đến các cấp có thẩm quyền cùng Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất giảm tỷ lệ khấu trừ mỗi năm 2% xuống 1% với người về hưu trước tuổi; hạ tổng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 32% xuống 24%, tương đương với mức đóng của một số nước.
Là thành viên Ban soạn thảo và cơ quan thực hiện chính sách, ngày 17/11 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị "hết sức cân nhắc, thận trọng với các đề xuất này".
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân tích theo quy định hiện nay, mỗi năm tham gia BHXH, người lao động tích lũy được tỷ lệ hưởng lương hưu 2,5% với nữ và 2,14% với nam. Để hưởng mức tối đa 75%, nữ đóng tương ứng 30 năm và nam là 35 năm BHXH.
Nếu lao động làm việc trong điều kiện bình thường muốn về hưu trước tuổi (lộ trình tăng dần nam đạt 62, nữ 60 tuổi) thì ngoài đóng đủ 20 năm BHXH phải có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động 61% trở lên. Với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, lao động sẽ bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Khi lao động nghỉ hưu sớm, thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất ít đi, trong khi số năm hưởng lại tăng lên. Nếu so với tỷ lệ tích lũy thì mức khấu trừ 2% với mỗi năm nghỉ sớm đã thấp hơn, tạo điều kiện cho lao động không bị trừ nhiều.
"Giảm trừ 2% cũng là một trong những quy định để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, tạo thu nhập và tham gia BHXH, để mỗi năm đóng tiếp được tăng tỷ lệ tích lũy cao hơn", theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Về tỷ lệ đóng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng lộ trình tăng mức đóng được thực hiện trong Luật Bảo hiểm xã hội 2006, đến nay sau các lần sửa luật đều không xem xét thay đổi để đảm bảo ổn định, bền vững. Tổng mức đóng của lao động và chủ doanh nghiệp vào các quỹ bảo hiểm là 32% tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng BHXH, trong đó Quỹ Bảo hiểm xã hội 25,5%, Quỹ Bảo hiểm y tế 4,5% và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 2%.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam dẫn phân tích của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) rằng tỷ lệ đóng BHXH, BHTN của Việt Nam khoảng 27,5% tiền lương tháng (không tính đóng vào BHYT). Mức này tương đồng với nhiều nước có mô hình BHXH cung cấp chế độ an sinh tương tự.
Nhiều nước đóng thấp hơn thì chế độ cũng ít hơn. Đơn cử Malaysia đóng thấp hơn Việt Nam nhưng chế độ ốm đau, thai sản do người sử dụng lao động trực tiếp chi trả. Việt Nam chọn mô hình tính mức hưởng trước nên mức đóng luôn phải đuổi theo nhằm cân đối độ bền của Quỹ Hưu trí tử tuất.
"Các hiệp hội đang so sánh với nhiều nước có mô hình đóng - hưởng BHXH không tương đồng với Việt Nam, bởi có nước dựa trên tài khoản cá nhân, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu", Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải. Cơ quan này cho rằng đánh giá tỷ lệ đóng cao hay thấp cần xem xét với mô hình cụ thể từng nước, mối tương quan đóng - hưởng, GDP bình quân đầu người, chi phí lao động.
Cơ quan bảo hiểm Việt Nam nêu thực tế nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quy định về BHXH, dù tiền lương tính đóng hiện hành gồm tổng mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng nhằm tiệm cận thu nhập thực tế của lao động. Cụ thể, có doanh nghiệp tách hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi, không thể thu vì không đủ cơ sở pháp lý.
Về mức đóng BHYT và quyền lợi hưởng như hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh trong năm đã tiệm cận với Quỹ và có xu hướng phải dùng nguồn quỹ dự phòng để bổ sung.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 6 đang diễn ra, dự kiến thông qua tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Hồng Chiêu