Trong công điện gửi các địa phương ngày 15/9, Bộ trưởng đánh giá tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt khi biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh. Nồng độ virus trong dịch hầu họng các bệnh nhân cao gấp khoảng 1.000 lần so với các chủng nCoV trước.
Trong khi đó, một số địa phương chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch, nhất là công tác xét nghiệm. Đây là lý do các địa phương phải giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội. "Phải thực hiện nghiêm việc xét nghiệm với tinh thần thần tốc xét nghiệm là then chốt", công điện của Bộ Y tế nêu.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày). Đây là điểm mới của chiến lược giãn cách chống dịch trong bối cảnh mở cửa từng bước hiện nay. Đến nay, các địa phương tổ chức giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ hai tuần trở lên, hầu hết gia hạn thêm thời gian, chưa kết thúc.
Các địa phương phải thực hiện nghiêm giãn cách, đồng thời đảm bảo lương thực cho người dân và đồng bộ các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Để thực hiện "thần tốc xét nghiệm", lần này Bộ Y tế đề nghị triển khai hành động mạnh mẽ hơn: Tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; Điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để hỗ trợ vùng nguy cơ; Chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; Sử dụng tình nguyện viên để lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh, hoặc cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm.
Các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện sớm, tách ngay các F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR.
Các địa bàn còn lại, xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Xét nghiệm RT-PCR phải trả kết quả trong 12 giờ.
Bộ Y tế nhấn mạnh các địa phương cần liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và tiếp tục xét nghiệm tầm soát.
Tầm quan trọng của chiến lược xét nghiệm được Bộ trưởng Long nhiều lần đề cập. Hôm 10/9, ông khẳng định muốn giảm thời gian giãn cách bắt buộc phải thông qua xét nghiệm. "Phải tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để. Từ đó nới lỏng dần giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới", Bộ trưởng nói.
Ông dẫn bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng; ở trong nước thì có kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hoà, Cần Thơ, quận 7, huyện Củ Chi của TP HCM... Đây là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phải tách toàn bộ F0, không để lây lan trong cộng đồng.
Thời gian qua, Bộ Y tế liên tục thay đổi chiến lược xét nghiệm để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế chuyển từ "chạy theo xét nghiệm" sang "tấn công", bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Trước đó, công tác xét nghiệm chủ yếu thực hiện ở khu cách ly bằng cách lấy mẫu người nghi nhiễm từ 4-5 lần, phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo công bố của Bộ Y tế tối 14/9, trong 24 giờ đã thực hiện 304.993 xét nghiệm cho 875.317 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 15.512.897 mẫu cho 45.095.067 lượt người.