"Không có cách nào khác để chúng ta ngăn chặn, phát hiện sớm, nếu không làm xét nghiệm", Bộ trưởng nói khi kiểm tra công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Hà Nội, ngày 10/9.
Trước một số ý kiến cho rằng Hà Nội thực hiện xét nghiệm 100% toàn dân sẽ lãng phí, Bộ trưởng cho rằng "nếu không xét nghiệm có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng vẫn phải có người lây nhiễm".
Hà Nội đang thực hiện "2 mũi giáp công" trong phòng chống dịch là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc. Thời gian qua, Hà Nội liên tục phát hiện các ca lây nhiễm không rõ nguồn lây - tức mầm bệnh đã lây lan, len lỏi trong cộng đồng. Vì thế, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội từ đầu tháng 8 đến nay.
"Để giảm thời gian giãn cách phải phát hiện, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để. Từ đó nới lỏng dần giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, vấn đề xét nghiệm rất quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông dẫn bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng; ở trong nước thì có kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hoà, Cần Thơ, quận 7, huyện Củ Chi của TP HCM... Đây là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phải tách toàn bộ F0, không để lây lan trong cộng đồng.
Phương pháp xét nghiệm hiện nay là gộp mẫu (có thể gộp 10) trong trường hợp có thể, thì giá thành xét nghiệm rất rẻ. Các "vùng đỏ" xét nghiệm nhiều lần. "Vùng xanh" phải xét nghiệm để biết không có mầm bệnh.
Hơn 10 tỉnh, thành phố đã cử nhân sự hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm, tiêm chủng; trong đó có địa phương cử 500- 600 người, Bắc Giang 800 người. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị TP Hà Nội tập huấn cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện.