Chuyến bay MH370 cùng 239 hành khách và tổ lái đã mất tích suốt 4 tuần nay, trong đó đa số là người Trung Quốc. Người nhà của họ chỉ còn biết đợi chờ với những cách khác nhau, để vượt qua cơn đau thương không lối thoát này.
Rất nhiều quốc gia cùng triển khai công tác tìm kiếm trên Ấn Độ Dương rộng lớn, nhưng cho đến nay vẫn chưa phát hiện được thi thể nào, hay một mảnh vỡ nào.
Trong cảnh thiếu thốn thông tin, có thân nhân kiên quyết cho rằng người nhà của họ vẫn nằm trong tay những kẻ cướp máy bay, có người lại chuẩn bị thắp hương cho người đã khuất nhân tiết Thanh minh. Có người thậm chí còn đến tận Kuala Lumpur, nơi MH370 cất cánh, để tìm câu trả lời và thương thảo với luật sư về vấn đề bồi thường. Có người tình nguyện làm tư vấn tâm lý cho các học sinh tại một trường tiếng Pháp ở Bắc Kinh, bởi ba học sinh của trường là hành khách trên chuyến bay ấy.
Từ khi MH370 mất tích đến nay, khách sạn Lệ Đô, ngoại ô Bắc Kinh, trở thành nơi gặp mặt hàng ngày của thân nhân hành khách. Hơn 100 người nhà lưu lại ở đây, còn những người khác thì ở tại một khách sạn bốn sao khác. Tiền phòng do Malaysia Airlines chi trả.
Hy vọng
Từ sau ngày vụ việc xảy ra, Steve Vương chưa lần nào qua đêm tại nhà ở Bắc Kinh. Mẹ của anh là một trong những hành khách trên chuyến bay định mệnh. Anh vạ vật tại khách sạn Lệ Đô, khi thì ở phòng mình trên tầng 13, khi thì ở phòng hội nghị nơi Malaysia Airlines họp báo, khi thì trò chuyện cùng thân nhân các hành khách khác.
Ngày nào cũng có người phục vụ đồ ăn, nhưng Steve nói anh không còn có cảm giác đói nữa. "Chúng tôi vẫn giữ hy vọng, dù cho chỉ còn chưa đến 1%. Nhưng bất kể hy vọng có xa vời đến đâu, vẫn còn khả năng", chàng thanh niên 25 tuổi chia sẻ.
Steve Vương là nhân viên bán hàng của một công ty công nghệ. Anh đã xin nghỉ phép, để ở lại khách sạn Lệ Đô cùng hơn 20 thân nhân khác, tổ chức thành một đội tình nguyện giúp đỡ người nhà hành khách.
Trong tuần đầu tiên, bố Steve cũng ở lại cùng anh, nhưng sau ông đã dọn về nhà. "Tôi sợ về nhà lắm. Tôi không dám nhìn ảnh và những đồ vật khác của mẹ ở nhà", anh vừa hút thuốc, vừa nói.
Mẹ của Steve Vương là một giáo sư hóa học 57 tuổi đã về hưu, rất đam mê nhiếp ảnh. Bà cùng 8 người bạn khác vừa kết thúc chuyến du lịch hai tuần ở Nepal, họ bắt chuyến bay MH370 để quay lại Bắc Kinh.
Trong những ngày đầu, anh kiểm tra thông tin từng phút từng giờ bằng điện thoại. "Tôi muốn xem người ta tìm thấy gì, nói gì, tuyên bố ra sao. Nhưng nay tôi tránh xem tin tức", Steve nói. Trong điện thoại, còn có nhiều bức hình của mẹ anh.
Sau bữa tối, anh thường rủ một vài thân nhân khác lên phòng hút thuốc, uống trà, nói chuyện. Mỗi tối anh chỉ ngủ được 4 hoặc 5 tiếng. "Trong hơn 20 ngày qua, tâm trạng của chúng tôi rất phức tạp. Chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi, nhưng vẫn đang chờ đợi", Steve nói.
Anh và các thân nhân khác đều càm thấy phẫn nộ với chính phủ Malaysia. "Đó là bởi cái thái độ mà họ đối xử với chúng tôi", anh nói. Steve cũng tham gia cuộc tuần hành trước tòa Đại sứ quán Malaysia hôm 25/3. Trong cuộc họp qua mạng với các chuyên gia kỹ thuật và quan chức Malaysia hôm 2/4, mọi người cử Steve làm đại diện, bởi anh nói tiếng Anh tốt.
"Chúng tôi chỉ muốn biết chân tướng sự việc", Steve Vương nói.
Từ bỏ
Còn ở đầu kia thành phố, anh Vương Lạc, biên tập viên tin giải trí của một công ty mạng, cũng có mẹ là hành khách trên MH370. Tuần vừa qua, anh đã làm việc trở lại và không ở qua đêm tại khách sạn Lệ Đô như những thân nhân khác.
"Bầu không khí ở đó rất không thoải mái", Vương Lạc nói. Anh cũng định bắt đầu học trở lại môn quyền Thái vào các buổi tuối. Có những hôm, anh ở cùng bạn gái, chỉ để đi bộ cùng nhau.
"Ngày trước, cứ sau bữa trưa tôi có khi lại gọi điện cho mẹ. Việc đó là thói quen rồi. Mấy hôm trước, tôi định gọi cho bà, nhưng chợt nhận ra rằng bà không còn ở đó nữa. Tôi buồn lắm", anh nói. "Chúng tôi gần như không còn chút hy vọng nào".
Cả công ty chỉ có ông chủ và một vài đồng nghiệp thân thiết biết chuyện của Vương Lạc. "Họ vẫn ăn trưa cùng tôi, nhưng không ai nhắc đến chuyện ấy", anh nói
Vương và bạn gái lẽ ra đã lên đường đi New York. Trước khi MH370 mất tích, anh và bạn gái dự định nghỉ việc để đi du lịch trong suốt ba tháng. Chặng đầu trong kế hoạch của họ là đi thành phố Albany thuộc bang New York để thăm một người chú. Hai người sau đó sẽ đi về phía nam, đến Mexico và Cuba.
"Chúng tôi định tự do thoải mái một năm, sau đó có lẽ sẽ kết hôn. Nhưng nay tôi không thể nghĩ đến những việc đó nữa, hay là dự định học tiếp. Tôi không muốn xa cha mình", Vương tâm sự.
Bố của Vương Lạc 64 tuổi, mắc bệnh tim. Ngày 8/3, sau khi biết tin vụ mất tích, Vương và bạn gái đã đến nhà của bố mẹ anh ở phía đông Bắc Kinh để báo tin dữ. Ông Vương nghe tin từ sáng sớm, nhưng không hề biết người vợ sống với mình hơn 40 năm qua cũng trên chuyến bay ấy.
Bố mẹ của Vương Lạc trước đây mở một của hiệu quần áo ở trung tâm thành phố, nay đã về nghỉ. Nhưng mẹ anh, một phụ nữ 57 tuổi, vẫn kinh doanh bất chấp sự phản đối của chồng. "Cha tôi thường nói với mẹ rằng, ở nhà mà nghỉ ngơi", anh nói.
Ngày 4/3, bà cùng một vài người bạn làm ăn bay đến Malaysia du lịch. "Mẹ nói với tôi rằng đừng kể với bố", Vương kể. Bố anh chỉ biết vợ đi du lịch.
Ngày 9/3, cả gia đình Vương đến khách sạn Lệ Đô nghe ngóng thông tin. Trong những ngày đầu, anh ở lại nhà của bố mẹ. Đêm đầu tiên, anh thấy phòng mẹ toàn là quần áo. "Cha tôi nói tối hôm trước ông cũng vào phòng mẹ, nhưng không muốn dọn, cứ để vậy đợi mẹ về", Vương nói.
Mỗi tối, bố anh đều làm món ăn mà mẹ thích nhất. "Mỗi khi chúng tôi nhắc đến mẹ, ông ấy lại khóc. Ông ấy uống cả một bình rượu nhỏ khi ăn, nhiều hơn trước kia", Vương kể lại.
Có một hôm, người ta gửi đến gói hàng mà mẹ anh đặt trước khi đi. Cả Vương và bố đều không biết phải làm gì. "Chúng tôi đều muốn nói:'cứ để ở phòng mẹ, đợi mẹ về', nhưng không ai trong hai chúng tôi nói trọn hết câu", Vương Lạc nói.
Đức Dương (theo New York Times)