Trung Quốc là thị trường chiếm lĩnh khoảng 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Do đó, sự hợp tác của Bắc Kinh có vai trò quyết định đến hiệu quả của các biện pháp trừng phạt được Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên từ hôm 2/3, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, theo Reuters.
Trong đó, xuất khẩu than có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với kinh tế Triều Tiên, bởi đây là một trong những nguồn thu ngoại tệ mạnh hiếm hoi và là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này. Than cũng được đem trao đổi lấy các mặt hàng khác, bao gồm dầu mỏ, thực phẩm, máy móc và nhiều nhu yếu phẩm khác.
Tại thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc, dù một số biện pháp hạn chế đã được ban hành, một số các nguồn tin thương mại và vận tải tại các cảng phía đông bắc nước này cho biết họ không nhận được chỉ thị nào của chính quyền, về quy định nào mới áp dụng cho việc nhập khẩu than của Triều Tiên. Các cảng trên là nơi thông quan lượng lớn mặt hàng than giữa hai nước.
"Tại thời điểm này, chưa có ai yêu cầu chúng tôi không làm vậy", quan chức một công ty tại thành phố cảng Đại Liên, thường nhập khẩu than và các mặt hàng khác từ Triều Tiên, cho biết. "Tôi thậm chí còn không rõ các lệnh trừng phạt đó cụ thể là gì".
"Mọi thứ thật lộn xộn. Vào thời điểm này không ai biết chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Rất khó nói trước", người này cho biết thêm.
Các chuyên gia về lệnh trừng phạt quốc tế cho biết, về lý thuyết, mọi thành viên Liên Hợp Quốc đều phải áp dụng các lệnh trừng phạt ngay lập tức. Dù vậy, trên thực tế, các nghị quyết của Liên Hợp Quốc thường được thực thi không nhất quán.
Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, nhưng đã tuyên bố ủng hộ nghị quyết trên, bởi Bắc Kinh đã chỉ trích ngày một mạnh mẽ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Dù vậy, Trung Quốc vẫn ưu tiên cho sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, và e ngại rằng bất kỳ sự bất ổn nào bùng phát tại đây đều có thể khiến hàng triệu người tị nạn tràn qua biên giới.
Trung Quốc đã cấm các tàu chở hàng của Triều Tiên tiếp cận một trong các cảng của nước mình, đồng thời đưa 31 tàu có tên trong lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vào "danh sách đen". Tuy vậy, giới chức Trung Quốc cũng như các chuyên gia lo ngại việc hạn chế quá gay gắt có thể gây thảm họa cho kinh tế Triều Tiên.
Bộ ngoại giao Trung Quốc tuần trước khẳng định luôn tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và sẽ quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp. Trong khi đó Bộ Giao thông nước này không phản hồi đề nghị bình luận của hãng tin Reuters.
Các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm mọi quốc gia thành viên nhập khẩu than, sắt và quặng sắt từ Triều Tiên, trừ khi các giao dịch nhằm "phục vụ mục đích sinh kế", và sẽ không tạo ra nguồn tài chính cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Video: Kim Jong-un giám sát thử nghiệm tên lửa đạn đạo
Lỗ hổng lớn
"Tôi cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã thương thảo được một miễn trừ diện rộng đối với hoạt động buôn bán than", Andrea Berger, phó giám đốc chương trình chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chính sách hạt nhân, tại Viện Royal United Services, nhận định.
Hôm 16/3, Mỹ đã áp đặt một loạt trừng phạt mới hà khắc hơn nhắm vào Triều Tiên, bao gồm việc cho phép Washington đưa vào "danh sách đen" bất kỳ cá nhân nào, cho dù có phải công dân Mỹ hay không, nếu người đó có làm ăn với những ngành trọng yếu của kinh tế Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho rằng khái niệm "mục đích sinh kế" trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc đã để ngỏ một cánh cửa cho Trung Quốc tiếp tục giao thương với Triều Tiên.
"Đó rõ ràng là một lỗ hổng", chuyên gia về quan hệ Trung - Triều Adam Cathcart, đến từ Đại học Leeds, Anh, nhận định. "Than là một đòn bẩy lớn cho họ. Từ góc độ của Trung Quốc, thật khôn ngoan khi để lại những khoảng trống, để họ không bị cáo buộc là vi phạm các lệnh trừng phạt, nếu một đoàn tàu mang khoáng sản chạy từ Trung Quốc sang Triều Tiên".
Năm ngoái, lượng than Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 26,9%, đạt 19,63 triệu tấn, khiến nước này trở thành nhà cung cấp than lớn thứ ba cho Trung Quốc, sau Australia và Indonesia.
Số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, năm ngoái nước này chi một tỷ USD nhập khẩu than và 73 triệu USD nhập quặng sắt từ Triều Tiên.
"Đó chính là nguồn ngoại tệ mạnh cho khu vực nhà nước cũng như quân đội", nhà nghiên cứu Jong Kyu Lee, tại Viện Phát triển Triều Tiên, bình luận. "Ngoại tệ mạnh có ý nghĩa rất quan trọng với kinh tế Triều Tiên".
Một người kinh doanh than tại Đan Đông, thành phố lớn nhất của Trung Quốc trên biên giới với Triều Tiên, tiết lộ công ty của ông đã ngừng nhập khẩu than và các sản phẩm khác hơn một tháng nay, trước cả khi nghị quyết của Liên Hợp Quốc được thông qua, do lo ngại về chính sách.
Nhưng do ngày càng có nhiều cảng của Trung Quốc nhận than từ Triều Tiên, việc thực thi các quy định về hải quan phải được phối hợp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán than lại không hoàn toàn bị kiểm soát từ trung ương.
Một đại lý tàu biển cho biết, than nhập từ Triều Tiên về các cảng Liên Vân Cảng và Nhật Chiếu ở phía bắc Trung Quốc, vẫn được hải quan thông quan.
"Chúng tôi chắc chắn đã thảo luận về việc này (các lệnh trừng phạt) với những người trong ngành, nhưng hoạt động kinh doanh của chúng tôi chưa bị ảnh hưởng", đại diện một công ty dịch vụ vận chuyển tại tỉnh Sơn Đông, chuyên nhập khẩu than từ Triều Tiên, cho biết. "Chính phủ chưa ban hành thông báo nào cho chúng tôi về các lệnh trừng phạt".
Hoàng Nguyên