Chị Tình cho biết, gốc đu đủ từng là món cứu đói ở quê chị từ thế hệ ông bà, cha mẹ. "Thời đó nhà mình đông anh chị em, cứ mỗi dịp mưa bão nhà ai có cây ngã mẹ thường xin về muối, để dành ăn dần", người phụ nữ quê Quảng Bình nói.
Để làm món này, Tình khuyên lấy thân và rễ đoạn gốc đặc, gọt sạch vỏ lấy phần lõi trắng như củ cải, rửa sạch, cắt thành từng miếng kích thước như bao diêm. Tiếp theo, trộn đu đủ với muối hạt, xếp vào chum vại nén chặt. Đổ nước muối đun sôi để nguội ngập vại. Đậy nắp kỹ, sau 7-10 ngày có thể ăn được.
Chị Tình lưu ý nên chọn thân cây già sẽ được phần thịt đặc, ngon hơn. Lượng muối dùng tương tự như muối cà nén mặn vì miếng dày khó ngấm và để trữ được lâu. Gốc đu đủ muối không đắng, ngon hơn củ cải.
Xưa không có thịt cá, nên gia đình chị chỉ kho chay. Ngày nay cuộc sống đủ đầy hơn, nên đu đủ muối chua có thể dùng làm gỏi, xào và phổ biến nhất là kho cá. Cứ một lớp đu đủ, một lớp cá, một lớp ba chỉ, lớp trên cùng cho đu đủ cùng ớt và gia vị vừa ăn, ổ nước xâm xấp rồi kho. Vị chua thanh của đu đu hòa quyện cùng vị bùi béo của cá thịt và ớt cay, cộng thêm hơi lạnh của mùa đông tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo.
Bài chia sẻ của chị Tình gây sốt trong cộng đồng. Sau hơn ba ngày đã thu hút 5.000 lượt thích và 2.200 bình luận. Hầu hết bình luận tỏ ra bất ngờ tuy nhiên cũng nhiều người cho biết đây là món ăn quen thuộc của gia đình.
"Món ăn tuổi thơ. Ngày xưa nhà có cây đu đủ. Năm 1989 bão lớn, cây đu đủ ngã. Trái lớn nhỏ thu được mang chia xóm mỗi nhà vài quả còn cây chia mỗi người một khúc. Nhớ lúc đó là mẹ cắt khoanh đem vùi vô bếp tro cả ngày xong đem rửa sạch rồi mới muối", tài khoản Trung Hoa chia sẻ.
Tài khoản Lê Thị Khánh An cho biết không chỉ gốc đu đủ, mọi thứ trong vườn từ bầu, bí xanh, mít xanh, cà bát, đều được người dân quê chị muối mặn trữ ăn dần vào mùa mưa bão và mùa đông.
Bảo Nhiên