Một thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) màu đen giống như trực thăng đồ chơi bay lên từ khu nhà gạch của một ngôi làng, tạo ra những âm thanh rất nhỏ trong lúc bay. Nó dừng lại một lúc trước khi bay lên cao hơn và biến mất trong những đám mây, theo sau là một chiếc tương tự.
Chúng là mẫu drone Ghost-X do tập đoàn quốc phòng Anduril Industries của Mỹ chế tạo. Tuy nhìn có vẻ nhỏ và không mấy nguy hiểm, mẫu drone này thực chất là "đôi mắt" của một đại đội bộ binh Mỹ đang ẩn nấp trên các ngọn núi xung quanh, sẵn sàng tái chiếm ngôi làng đang bị "đối thủ" kiểm soát.
Hai chiếc drone này không hoạt động một mình. Một đội robot chiến đấu, gồm cả thiết bị trên không và hoạt động dưới đất, sau đó đồng loạt xuất hiện, nổi bật là một chiếc drone 8 cánh quạt có gắn đạn ở phần bụng.
Nó quần thảo trên bầu trời rồi lần lượt thả ba quả đạn cối 60 mm xuống một mái nhà và các "throwbot" nhỏ có hình trụ tròn xuống mặt đất. Throwbot là một dạng robot có thể ném được và thường được dùng với nhiệm vụ trinh sát.
Tiếp đó, một số phương tiện chiến đấu robot trang bị súng máy 50 và M240 được đưa ra chiến trường. Chúng liên tục nã đạn về vị trí của "đối thủ" để yểm trợ trong lúc các binh sĩ Mỹ tiến vào làng. Cùng lúc đó, một chú chó robot 4 chân bước ra từ đám khói dày đặc, đóng vai trò như camera quan sát giúp các binh sĩ Mỹ ở vòng ngoài có thể theo dõi tình hình thực địa.
Đây là hình ảnh trong cuộc diễn tập quy mô lớn mang tên Dự án Hội tụ (Project Convergence) của lục quân Mỹ, được tổ chức hồi tháng 3 tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Mỹ (NTC), khu vực an ninh nghiêm ngặt có diện tích 2.400 km 2 ở Fort Irwin, bang California.
Mục đích của cuộc diễn tập là thử nghiệm hoạt động phối hợp tác chiến giữa con người và robot, qua đó tiến tới xây dựng các lực lượng hỗn hợp trong tương lai.
Tướng James Rainey, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tương lai Lục quân Mỹ, cho biết robot sẽ được tích hợp sâu rộng vào các lực lượng của quân chủng này trong thời gian tới, giúp giảm thiểu rủi ro đối với các binh sĩ.
Tuy nhiên, giới chức quân đội Mỹ thừa nhận việc thành lập các lực lượng hỗn hợp như vậy không phải điều dễ dàng. Nó đòi hỏi xây dựng một mạng lưới dễ sử dụng và hoạt động hiệu quả, được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công mạng và đảm bảo các hệ thống có mức độ tự chủ vừa đủ.
Giới chức Mỹ cũng cho rằng thách thức lớn nhất không phải là yếu tố công nghệ, mà là các quy trình mua sắm đã lỗi thời. Chúng khiến quân đội Mỹ không thể tiến hành các thương vụ mua sắm một cách nhanh chóng, cũng như làm chậm tốc độ chuyển giao sản phẩm cho các binh sĩ để áp dụng vào thực chiến.
"Các mối đe dọa và công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều. Chúng tôi sẽ không thể thành công nếu tiếp tục mua sắm hay phát triển công nghệ với tốc độ như hiện nay", Joseph Welch, giám đốc Trung tâm C5ISR của lục quân Mỹ, nhận định.
Lục quân Mỹ tổ chức cuộc diễn tập Dự án Hội tụ sau nhiều tháng nỗ lực thúc đẩy việc tích hợp con người và robot vào một đội hình chiến đấu. Sự kiện là dịp để giới chức xem xét những mặt được và chưa được của mô hình này, qua đó nâng cấp, cải thiện để có thể chuẩn bị cho kịch bản đối đầu với kẻ thù có năng lực hiện đại trong tương lai.
Trong bản đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2025, lục quân Mỹ lần đầu tiên yêu cầu được cấp kinh phí để xây dựng các lực lượng hỗn hợp giữa robot và con người, gọi là H-MIF. Giai đoạn đầu tiên dự kiến tiêu tốn khoảng 33 triệu USD, nhằm bước đầu cung cấp năng lực này cho các đội hình bộ binh và thiết giáp hiện hành.
Văn phòng Công nghệ Quan trọng và Năng lực Nhanh chóng của lục quân Mỹ là cơ quan dẫn đầu nỗ lực này. Văn phòng đang tạo ra các sản phẩm thử nghiệm bằng cách tận dụng các chương trình robot sẵn có, đồng thời tích hợp thêm các năng lực phổ biến về cấu trúc, mạng lưới và liên lạc.
Lục quân Mỹ cho biết khoản kinh phí mà quân chủng này yêu cầu trong đề xuất ngân sách sẽ được dùng để chế tạo các mô hình thử nghiệm, cũng như cho phép binh sĩ có thể đánh giá mức độ hiệu quả của các sản phẩm này trong các cuộc diễn tập thực tế.
Tại cuộc diễn tập Dự án Hội tụ, lục quân Mỹ đã triển khai lượng lớn robot, cảm biến và các cỗ máy khác để hỗ trợ binh sĩ, trong đó các mẫu robot trên không và dưới đất, drone có dây, hệ thống chống drone và một thiết bị mô phỏng tín hiệu radio để gây rối kẻ thù.
Lục quân Mỹ đã sử dụng tổng cộng hơn 240 sản phẩm công nghệ trong cuộc tập trận, bao gồm cả sản phẩm của các nước đồng minh như Anh, Canada, Australia, Pháp và Nhật Bản.
Alexander Miller, giám đốc công nghệ dưới quyền tham mưu trưởng lục quân Mỹ Randy George, cho biết việc tích hợp robot vào đội hình chiến đấu là lựa chọn bắt buộc, nếu lực lượng Mỹ không muốn "bị tụt lại phía sau".
"Có những kẻ xấu sẵn sàng sử dụng robot, nên nếu chúng tôi không đẩy mạnh nghiên cứu về lĩnh vực này và bị tụt lại phía sau, các thành viên của chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm", Miller nêu quan điểm.
Một động lực khác giúp thúc đẩy việc tích hợp robot vào các đội hình chiến đấu là sự "thay đổi về văn hóa", theo Miller. Trong 12-18 tháng gần đây, họ không còn coi robot như phương tiện thay thế một - một với binh sĩ, mà đang xem xét sử dụng chúng cho các nhiệm vụ ngoài chiến đấu, cũng như triển khai một cách độc lập mà không cần người điều khiển, ví dụ như việc rà phá mìn.
Sự tiến bộ của các công nghệ thương mại cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình mới cho việc tích hợp con người và robot. Theo Welch, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang trở nên thông minh hơn, cảm biến ngày càng nhỏ gọn, nhẹ và linh hoạt hơn, các giải pháp kết nối trở nên phong phú hơn và khả năng sử dụng các công nghệ trên không, trên mặt đất và trong không gian cũng trở nên dễ dàng hơn.
Dù vậy, giới chức lục quân Mỹ nhận định vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể tích hợp robot và binh sĩ trên chiến trường. Theo Miller, cuộc diễn tập Dự án Hội tụ đã cho thấy "mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp" nếu họ triển khai lượng lớn robot giá thành thấp cùng một lúc, điều có thể gây ra các sự cố về công nghệ.
Cụ thể, trong cuộc diễn tập đã xuất hiện trường hợp "quân ta đánh quân mình", khi hệ thống tác chiến điện tử của lục quân Mỹ gây nhiễu một đàn drone của họ và làm chúng bị rơi xuống đất.
Ngoài thách thức về kỹ thuật, quân chủng này còn phải thuyết phục quốc hội thay đổi quy trình mua sắm để có nhiều ngân sách hơn, cũng như có thể đáp ứng nhu cầu về khí tài, thiết bị của các binh sĩ một cách nhanh chóng hơn. Họ cũng phải đảm bảo rằng ngành công nghiệp phòng Mỹ có khả năng sản xuất đủ linh kiện, thay vì phải tìm mua chúng ở nước ngoài, điều có thể dẫn tới rủi ro về an ninh.
Benjamin Jensen, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết ông "lạc quan" về kế hoạch xây dựng lực lượng hỗn hợp giữa người và robot của lục quân Mỹ, song cho rằng quá trình này có thể kéo dài lâu hơn so với dự kiến.
"Phần lớn mọi người đều đánh giá quá cao tốc độ phát triển các khái niệm mới", ông nói. "Trong trường hợp không xảy ra xung đột lớn, sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng các đội hình và cấu trúc hoàn toàn mới".
Phạm Giang (Theo Defense News, Reuters, AFP)