Các hãng xe truyền thống, những tân binh của ngành ôtô và các start-up Trung Quốc đang đánh cược tất cả vào xe điện. Họ hy vọng các tài xế nơi đây hay những nơi khác trên thế giới sẽ chấp nhận chi 40.000 USD hoặc hơn cho sản phẩm của các thương hiệu mà trước đây, họ chưa từng biết đến.
Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy sản xuất ôtô điện nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Các hãng xe nội địa sử dụng hàng tỷ USD huy động từ các nhà đầu tư quốc tế lẫn hỗ trợ của chính quyền nước sở tại, tham vọng đánh bại những nhà sản xuất xe hơi lâu đời.
Xpeng Motors, start-up về xe điện mới đây đưa vào hoạt động một nhà máy lắp ráp quy mô lớn ở miền đông nam Trung Quốc. Cách đó không xa, một cơ ngơi tương tự cũng đang được xây dựng. Tất cả chỉ mới là 30% kế hoạch hãng đã vạch ra.
Nổi danh hơn Xpeng là Nio, một công ty về xe điện khác của Trung Quốc. Hãng vừa mở cửa một nhà máy ở miền trung nước này và đang chuẩn bị cái thứ hai cách đó vài km.
Chưa hết, tập đoàn sở hữu hãng Volvo (Thụy Điển), Zhejiang Geely vào tháng 4 vừa qua đưa vào vận hành nhà máy sản xuất xe điện mới ở miền đông Trung Quốc. Xét về quy mô, nhà máy này không thua kém những cơ sở sản xuất hàng đầu thế giới của các đối thủ.
Evergrande, một gã khổng lồ ngành bất động sản Trung Quốc cũng tham gia cuộc chơi xe điện. Công ty đã xây dựng các nhà máy sản xuất ở hai thành phố Thượng Hải và Quảng Châu. Niềm tin là bắt đầu từ 2025 trở đi, sản lượng ôtô thuần điện hãng tạo ra có thể ngang bằng với Bắc Mỹ.
Các công ty Trung Quốc thừa nhận, những thương hiệu lâu đời sở hữu nhiều lợi thế nhờ kinh nghiệm làm xe hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Nhưng cho dù là vậy, họ vẫn đặt niềm tin vào đường hướng đã vạch ra.
"Chúng tôi có ý chí lẫn sự kiên nhẫn", He Xiaopeng, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Xpeng, nói. "Tôi nghĩ các hãng xe Trung Quốc thấy được những thách thức trước mắt là rất khó nhằn, nhưng chúng tôi vẫn phải tiến lên". Động lực này dẫn đến một kịch bản trong tương lai gần, nơi bản đồ ngành công nghiệp ôtô có thể được định hình lại bởi các thương hiệu xe điện non trẻ của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Năm 2020, lượng xe điện tạo ra tại Trung Quốc chỉ là 1 triệu xe. Nhưng theo tính toán của công ty dữ liệu toàn cầu LMC Automotive, Trung Quốc sẽ sản xuất hơn 8 triệu xe điện/năm, bắt đầu từ 2028. Cùng thời gian này, châu Âu theo phía sau với khoảng 5,7 triệu xe. Với các nhà sản xuất xe Bắc Mỹ, con số vào khoảng 1,4 triệu xe (năm 2020 là 410.000 xe). Cộng gộp hai khu vực này, sản lượng xe điện tầm 7,1 triệu xe/năm, tức thấp hơn Trung Quốc khoảng 900.000 xe.
Tổng thống Mỹ, Joe Biden hồi tháng 4 vừa ra kêu gọi các hãng xe nước này tập trung nguồn lực cho xe điện vì nhận thấy xu hướng tương lai của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Tony Blinken, Ngoại trưởng nước này thậm chí không giấu diếm: "Ngay thời điểm này, Mỹ đã chạy sau Trung Quốc".
Không chỉ là câu chuyện sản lượng, quốc gia châu Á cũng đang đi đầu về hạ tầng phục vụ cho xe điện. Nhờ một phần hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc, có hơn 800.000 trạm sạc điện được xây dựng trên khắp đất nước. Không nơi nào trên thế giới có thể sánh với nước này về số lượng lẫn tốc độ mở rộng trạm sạc.
Bên ngoài Trung Quốc, khi mạng lưới trạm sạc hạn chế trở thành trở lực với phần lớn quốc gia trên thế giới muốn phát triển thị trường xe điện, các hãng xe vẫn phải duy trì cung cấp các mẫu hybrid (xe lai) trong những năm tới. Còn tại Trung Quốc, sự cạnh tranh đang đổ dồn cho xe thuần điện, không chỉ bởi đây là xu hướng mà còn đang chứng kiến tốc độ mở rộng nhanh.
Với ôtô Trung Quốc, điểm hạn chế đến từ mặt trái của tuổi đời non trẻ. Ở đất nước mà các hãng xe hơi mới mọc "như nấm sau mưa", tên thương hiệu thậm chí còn xa lạ ngay với cả các tài xế bản địa. Trên đường phố, những chiếc Buicks, Volkswagen, Mercedes vốn quen thuộc với người dân hàng chục năm qua. "Chỗ đứng" cho những hãng xe mới thành lập vài tháng, vài năm vì thế là điều không dễ.
Alibaba, SAIC và Shanghai Zhangjiang Hi-Tech Park Development tạo ra IM (Zhiji) Motors, hãng xe điện mới thành lập vào tháng 12/2020. Tháng 4/2021 tại triển lãm Thượng Hải, hãng ra mắt mẫu sedan chạy điện cao cấp L7 kèm tính năng sạc điện không dây. Kế hoạch đến đầu 2022, phiên bản thương mại của L7 sẽ giao đến khách hàng.
Một tên tuổi xa lạ khác là Hengchi, hãng xe điện thành lập năm 2020 bởi tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande. Đi cùng sự cuồng nhiệt của thị trường chứng khoán dành cho ngành ôtô điện, Hengchi với 9 sản phẩm được giới thiệu trong 2021, kế hoạch sản xuất và bán 1 triệu xe từ 2025 (hiện chưa bán), giúp giá cổ phiếu của Evergrande New Energy Vehicle (ENNV), phân mảng con của tập đoàn này tăng mạnh ở sàn giao dịch Hong Kong. Thậm chí giá trị vốn hóa của ENNV hiện gần bằng General Motors, một trong nhóm 4 đại gia ngành xe hơi nước Mỹ.
Hengchi chưa phải là cái tên mới nhất. Tập đoàn Geely hôm 23/3 công bố thành lập Zeekr, thương hiệu cung cấp các giải pháp và công nghệ di động điện. Zeekr định vị ở phân khúc cao cấp, nhắm đến đối thủ như Tesla (Mỹ). Zeekr 001, mẫu hatchback thể thao và là sản phẩm đầu tiên của hãng sẽ giao đến khách hàng vào cuối 2021.
Nhà máy sản xuất xe điện Zeekr đặt tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Công suất ban đầu khoảng 300.000 xe/năm của nhà máy này lớn hơn hầu hết các nhà máy ở Detroit (Mỹ). Sản lượng tương tự là nhà máy của Xpeng, hãng xe có 12% cổ phần sở hữu bởi tập đoàn Alibaba.
Định hướng và những bước đi thần tốc của các công ty Trung Quốc khó thực hiện nếu thiếu hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Trường hợp của Xpeng là một ví dụ.
Một doanh nghiệp nhà nước có trụ sở tại thị trấn Triệu Khánh, thành phố Quảng Đông, tỉnh Quảng Châu, cho hãng xe này vay 223 triệu USD vào 2017 để xây dựng nhà máy với công suất ban đầu khoảng 100.000 xe/năm. Chính quyền thành phố nơi đây cũng đứng ra trợ cấp các khoản thanh toán lãi suất sau đó cho Xpeng.
Tương tự Triệu Khánh, chính quyền thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cũng giúp Xpeng thuê đất, cho vay tiền với lãi suất thấp để xây dựng một nhà máy nơi đây. Cuối 2020, khi dịch Covid-19 được kìm tỏa, Xpeng tìm đến phố Wall (Mỹ), nơi các nhà đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào Tesla. Hãng xe Trung Quốc huy động được 5 tỷ USD sau đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng và bán trở lại sau đó. Hãng chi một phần khoản tiền này cho việc xây dựng nhà máy mới, nghiên cứu phát triển sản phẩm, trong đó có công nghệ tự động lái.
Nhà máy của Xpeng tại Triệu Khánh chỉ mất 15 tháng để hoàn thành, nhanh hơn đáng kể nhiều nhà máy lắp ráp ở phương Tây. Yan Hui, giám đốc phân đoạn lắp ráp cuối cùng ở nhà máy Xpeng nói rằng, các quyết định ở đây được thực thi nhanh hơn công ty sản xuất phụ tùng ôtô của Đức mà ông từng làm việc trước đó.
Dù còn mới mẻ với thị trường nội địa nhưng tham vọng của các hãng xe Trung Quốc đã tính đến việc vươn ra nước ngoài. Xpeng bắt đầu xuất khẩu xe sang châu Âu với Na Uy là trạm dừng đầu tiên. Chery, một hãng xe quốc doanh vừa thông báo kế hoạch xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ vào 2022. Ban đầu là ôtô chạy xăng, sau đó là xe thuần điện.
Để đối phó với thuế nhập khẩu ôtô 25% áp dụng từ thời chính quyền tổng thống Trump hồi 2018, các hãng xe Trung Quốc tính đến phương án chuyển nhiều thành phần linh kiện vốn có cùng mức thuế (thấp hơn xe nhập nguyên chiếc) đến Mỹ. Sau đó, các hãng tiến hành lắp ráp và bán xe hoàn chỉnh ở xứ cờ hoa.
Michael Dunne, giám đốc điều hành ZoZo Go, một công ty tư vấn chuyên về ôtô điện khu vực châu Á, nói rằng tương lai của ngành đang dần trở nên sáng tỏ. "Trung Quốc trên đường trở thành kẻ thống trị toàn cầu khi họ tiến vào ngành sản xuất xe điện".
Thành Nhạn (theo NY Times)