Trong bài phát biểu tại đại hội đảng thứ 19 ngày 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nước này đã bước vào một kỷ nguyên mới của chính sách đối ngoại, tham gia vào "ngoại giao nước lớn với đặc trưng Trung Quốc".
"Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi sự phát triển ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, nhưng Trung Quốc cũng sẽ không từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", ông Tập nói. "Đừng ai nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận bất cứ thứ gì làm suy yếu lợi ích của mình".
Các nhà quan sát ngoại giao cho rằng bản báo cáo chính trị này cho thấy Trung Quốc muốn tham gia vào việc đề ra các quy tắc và thông lệ quốc tế, vốn do các cường quốc phương Tây chi phối, theo SCMP.
Steve Tsang, giám đốc của Viện SOAS Trung Quốc ở London, nói rằng những tuyên bố như vậy chỉ ra rằng Trung Quốc dưới thời ông Tập đòi hỏi phần còn lại của thế giới tôn trọng họ.
"Tham vọng của Trung Quốc là thế giới phải cân nhắc quan điểm của họ trong các vấn đề lớn và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận các quy tắc được đưa ra bởi nước khác, họ sẽ là một phần của quá trình ra quyết định", ông Tsang nói.
Xue Li, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Tập muốn chính sách ngoại giao không chỉ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc mà còn có tác động lâu dài lên thế giới.
"Ông ấy muốn đạt được điều gì đó và sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc sẽ cho ông ấy điều kiện để thực hiện", Xue nói. "Ông ấy lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc sẽ duy trì thay vì đảo lộn trật tự quốc tế hiện nay, nhưng với hệ thống hiện giờ, Trung Quốc đòi hỏi một vị thế xứng đáng với sức mạnh và quyền lực của họ".
Trung Quốc đã cố gắng có tiếng nói lớn hơn trong các quy tắc toàn cầu bằng cách thúc đẩy Quỹ Tiền tệ Quốc tế trao nhiều quyền biểu quyết hơn cho các nước đang phát triển trong tổ chức. Nước này cũng sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng với châu Á và nhiều khu vực khác thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
"Tập Cận Bình có tầm nhìn về vai trò của Trung Quốc trên trường thế giới tham vọng hơn bất cứ điều gì chúng ta từng thấy. Ông ấy nói về việc Trung Quốc tiến tới trung tâm của thế giới và có nhiều ảnh hưởng hơn trước đây", Susan Shirk, chuyên gia tại Đại học California, San Diego nhận xét.
Trong khi tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ không đe dọa bất cứ nước nào.
"Dù đến giai đoạn phát triển nào, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ muốn theo đuổi chủ nghĩa bá quyền", ông nói. Xue cho rằng Trung Quốc tỏ ý muốn hợp tác với các cường quốc và hỗ trợ các nước nhỏ hơn.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc lại khiến các quan chức Mỹ lo ngại. "Dù trỗi dậy cùng Ấn Độ, Trung Quốc đã hành động một cách thiếu trách nhiệm hơn nhiều, có lúc phá vỡ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 18/10 phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) về quan hệ Mỹ - Ấn.
Ông Tillerson cho rằng hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông thách thức trực diện luật quốc tế và các quy chuẩn mà Mỹ ủng hộ.
Dù Mỹ muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, "chúng tôi sẽ không chùn bước trước những thách thức của Trung Quốc với trật tự dựa trên các quy định, khi Trung Quốc phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng và gây bất lợi cho Mỹ cùng những người bạn của chúng tôi", ông Tillerson khẳng định.
Phương Vũ