Chưa đầy một tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, tình báo Hàn Quốc phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục dự án chế tạo mẫu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân lớn chưa từng thấy. Vật liệu và nhân công được tập kết nhiều bất thường ở cảng Sinpo cho thấy Bình Nhưỡng dường như đang đóng tàu ngầm Sinpo-C trong các tòa nhà lớn để che mắt vệ tinh Mỹ, theo WSJ.
Các chuyên gia quân sự ước tính tàu ngầm Sinpo-C có lượng giãn nước hơn 2.000 tấn và chiều rộng 11 mét, biến nó thành tàu chiến lớn nhất trong biên chế hải quân Triều Tiên (KPN). Hải quân Triều Tiên đang sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới với khoảng 70 chiếc, nhưng phần lớn đều là loại có kích thước nhỏ, không mang được tên lửa hạt nhân và khó hoạt động xa bờ biển.
Tham vọng sở hữu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được chuyên gia Ankit Panda của tờ Diplomat công khai từ tháng 10/2017, khi ông nghiên cứu các báo cáo mà tình báo quân đội Mỹ chuyển cho quan chức chính phủ. Một tháng sau, trang 38North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên đăng nhiều ảnh vệ tinh cho thấy các cấu trúc mới và hoạt động thử nghiệm tại cảng Sinpo, trong đó có các khung thép đường kính 7 mét, có thể là các phần trong bộ khung kháng áp của tàu ngầm Sinpo-C.
Trước đó, tình báo Mỹ cũng phát hiện nhiều vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên, trong đó có vụ phóng thất bại vào tháng 9 khiến một người thiệt mạng, theo tờ Asahi Simbun của Nhật. Đến đầu năm nay, một ống phóng nhiều khả năng là của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong được lắp đặt tại một cơ sở thử nghiệm của Triều Tiên.
Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin của National Interest cho rằng những thông tin này cho thấy một thực tế là Triều Tiên vẫn đang tiếp tục bí mật phát triển các đầu đạn hạt nhân và phương thức mang phóng mới, bất chấp việc lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra cam kết "hướng tới phi hạt nhân hóa" trong cuộc gặp thượng đỉnh với Trump.
Hồi cuối tháng 6, các nhân viên tình báo Mỹ xác nhận với NBC rằng Triều Tiên vẫn đang tăng tốc sản xuất và làm giàu urani, đồng thời tìm cách che giấu quy mô chương trình hạt nhân của mình. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong phiên điều trần mới đây trước quốc hội cũng thừa nhận Bình Nhưỡng vẫn đang tiếp tục chương trình chế tạo vật liệu phân hạch.
Theo Roblin, đầu đạn hạt nhân và công nghệ tên lửa mang phóng là những khoản đầu tư vô cùng đắt đỏ của Triều Tiên, bởi vậy Kim Jong-un khó có thể dễ dàng từ bỏ chúng một cách hoàn toàn. Chuyên gia này nhận định những động thái mới đây của Bình Nhưỡng như phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri hay trạm phóng tên lửa Sohae không ảnh hưởng lớn đến chương trình "đưa vũ khí hạt nhân xuống lòng biển" của Triều Tiên.
Tàu ngầm Triều Tiên đang chế tạo được cho là mẫu kế nhiệm của Sinpo-B, tàu ngầm 1.700 tấn được lấy cảm hứng từ tàu lớp Golf của Liên Xô. Sinpo-B dài 68 mét, có thể lắp đặt một ống phóng tại tháp điều khiển, nhưng kích thước nhỏ khiến nó chỉ có thể mang theo một hoặc vài tên lửa. Hình ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy thủy thủ đoàn của Sinpo-B có khoảng 70-80 người.
Song song với dự án chế tạo tàu ngầm Sinpo-C có kích thước lớn hơn, Triều Tiên cũng đầu tư phát triển mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ mới. Tên lửa Pukkuksong-1 (KN-11) được Triều Tiên phóng thử thành công vào tháng 8/2016 và đưa vào biên chế đầu năm 2017. Tên gọi của nó có nghĩa là "Bắc Cực Tinh", rất giống nghĩa với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Polaris của Mỹ.
Các chuyên gia ước tính mẫu tên lửa dài 9 mét này có thể bắn xa hơn 1.200 km và chắc chắn được trang bị đầu đạn hạt nhân. Truyền thông Triều Tiên còn đăng ảnh Kim Jong-un quan sát một vụ phóng thử tên lửa Pukkuksong-1.
Trong những thử nghiệm đầu tiên, Pukkuksong-1 sử dụng nhiên liệu lỏng tương tự mẫu SLBM R-27 của Liên Xô, nhưng Triều Tiên sau đó cải tiến để biến nó thành mẫu tên lửa hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa nhiên liệu rắn nặng hơn nhưng có thời gian chuẩn bị phóng ngắn hơn rất nhiều so với tên lửa nhiên liệu lỏng.
Việc thiết kế tên lửa nhiên liệu rắn gặp nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, bởi nhiên liệu phải luôn được chứa trong thân tên lửa và bất cứ sai sót nào trong khâu thiết kế, chế tạo đều có thể dẫn tới thảm họa. Dù vậy, Pukkuksong-1 vẫn được coi là một dự án thành công, đến mức Triều Tiên đã phát triển biến thể Pukkuksong-2 phóng trên đất liền dựa vào mẫu tên lửa này.
Hình ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố vào tháng 8/2017 cho thấy lãnh đạo Kim Jong-un đứng cạnh kế hoạch chi tiết phát triển mẫu tên lửa Pukkuksong-3, với phần thân được áp dụng công nghệ quấn sợi composite tiên tiến, cho thấy mẫu SLBM thế hệ mới của Bình Nhưỡng sẽ nhẹ hơn và có tầm bắn xa hơn.
Roblin nhận định việc công bố hình ảnh về Pukkuksong-3 là một thông điệp Triều Tiên gửi tới Mỹ và Hàn Quốc rằng họ đang sở hữu SLBM có thể răn đe bất cứ đòn tấn công hạt nhân nào.
Một khi sở hữu tàu ngầm Sinpo-C và tên lửa Pukkuksong-3, hải quân Triều Tiên sẽ có sức mạnh răn đe rất lớn, bởi các tàu ngầm này rất khó bị phát hiện khi hoạt động trong vùng biển nông, có địa hình phức tạp xung quanh bán đảo Triều Tiên. Trong khi hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc chỉ đề phòng tên lửa từ phía bắc, các tàu ngầm Sinpo-C có thể vòng xuống phía nam và tung đòn tấn công bất ngờ nhất nhắm vào căn cứ Mỹ ở Guam hoặc Hawaii.
Điều này khiến bất cứ đối thủ nào của Triều Tiên cũng không thể tự tin rằng họ có thể xóa sổ toàn bộ năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng bằng đòn đánh phủ đầu. Goblin cho rằng đây là lý do Triều Tiên vẫn đang âm thầm xúc tiến chương trình chế tạo Sinpo-C và Pukkuksong-3, bất chấp những lời cam kết đưa ra với Trump.