Trong gần nửa thế kỷ, các tu sĩ dòng Benedictine ở Herefordshire có nhiệm vụ ghi lại lượng mưa hàng tháng ở khuôn viên Tu viện Belmont. Nhưng vào năm 1948, công việc bị gián đoạn vì có một lỗ đạn trong phễu đo.
Vì sao có lỗ đạn ở đó vẫn còn là một bí ẩn. Sự cố gián đoạn này là một trong những câu chuyện mà 16.000 tình nguyện viên phát hiện ra khi tham gia Rainfall Rescue, dự án số hóa các bản ghi chép về thời tiết của Anh. Các bản ghi chép do dịch vụ thời tiết Met Office lưu trữ, chứa 3,5 triệu điểm dữ liệu từ tận năm 1820.
Ed Hawkins, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Reading, dẫn đầu dự án. "Nó được khởi động vào cuối tháng ba, chúng tôi nhận ra mọi người có nhiều thời gian rảnh. Nó được hoàn thành trong 16 ngày. Ban đầu tôi cứ nghĩ là sẽ mất 16 tuần chứ không phải 16 ngày. Các tình nguyện viên đã hoàn thành chớp nhoáng", ông nói và cho biết dữ liệu sẽ được sử dụng để cải thiện dự đoán thời tiết và mô hình khí hậu trong tương lai.
Khi hàng triệu người bị mắc kẹt tại nhà trong đại dịch, nhiều người sẵn sàng làm tình nguyện viên cho các dự án khoa học. Rainfall Rescue sử dụng một nền tảng có tên là Zooniverse, nơi tổ chức hàng chục dự án bao gồm mọi lĩnh vực, từ tác phẩm nghệ thuật cho đến ngựa vằn. Trong khi các dự án thường có mục đích khoa học, nhiều dự án giúp mọi người đóng góp điều tốt đẹp cho thế giới.
Tình nguyện viên có thể quét hình ảnh vệ tinh để tìm các ngôi nhà nông thôn trên khắp châu Phi nhằm mang điện đến cho họ. Một dự án khác do các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham ở Anh dẫn đầu đang tìm hiểu liệu các lò gạch ở Nam Á có dấu hiệu của chế độ nô lệ hiện đại hay không, mặc dù dự án đang phải đối mặt với một số chỉ trích là nhìn nhận quá đơn giản về nô lệ hiện đại.
Các dự án cung cấp cho công chúng cách để góp sức chống lại sự bất công hay truy tìm tội phạm, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn mà không cần bước chân ra khỏi nhà.
"Kể từ khi dịch bùng phát, chúng tôi ghi nhận lượng người tham gia tăng đáng kể", Adrian Korn, giám đốc Trace Labs cho biết. Tổ chức phi lợi nhuận Canada này tổ chức các cuộc thi, trong đó các nhóm tin tặc thu thập càng nhiều thông tin càng tốt để tìm tung tích những người mất tích. Một sự kiện vào tháng 4 đã thu hút 550 người tham gia, điều tra 15 trường hợp, tìm ra 8.000 manh mối mới.
"Chúng tôi có vài quy tắc rất quan trọng: không sử dụng thủ thuật xâm nhập bất hợp pháp, mọi thứ phải là thông tin được công khai. Thông tin mới được chuyển cho các quan chức hành pháp".
Tại một sự kiện của Trace Labs ở Toronto năm 2019, một người tham gia đã dành nhiều giờ để xem các video trên YouTube và phát hiện ra video một người mất tích lên một chiếc xe mà các nhà điều tra chưa biết tới. Nhờ biển số xe, cảnh sát đã tìm đến một địa chỉ và tìm ra người mất tích.
Ra mắt vào năm 2017, Chống Lạm dụng Trẻ em - Truy vết đồ vật là dự án của Cơ quan Hợp tác Thực thi Pháp luật Liên minh châu Âu (Europol), chuyên thu thập thông tin về nguồn gốc các đồ vật, quần áo và địa điểm xuất hiện trong các hình ảnh được trích xuất từ nội dung khiêu dâm trẻ em.
Carlos Gonzales đã tham gia cộng đồng này khoảng một năm. "Tôi nghĩ rằng tôi vốn rất có hứng thú với Google Earth, tôi rất chú ý đến các chi tiết, tôi thích nghiên cứu và có kiến thức kỹ thuật, tại sao tôi không thử làm việc này?", Gonzales nói.
Thông thường, rất khó để tìm ra manh mối. Các hình ảnh tình nguyện viên được cung cấp đã được chỉnh sửa để xóa bất kỳ nội dung phản cảm hoặc cá nhân có thể nhận dạng. Gonzales và một số người trong nhóm đã nghiên cứu một bức ảnh dường như chụp từ cửa sổ một chiếc xe van, nhìn ra một tòa nhà bằng gạch và một cái cây nhỏ được cho là tại một quốc gia nói tiếng Nga.
Các "thám tử online" tìm kiếm hình ảnh của các tòa nhà công nghiệp thời Liên Xô và suy luận rằng nhà trong ảnh có thể là kiểu nhà có nồi hơi được gọi là kotelnaya. Sau đó, họ sử dụng bóng đổ của cây để tính ra mặt trời ở góc 57 độ, từ đó loại trừ thành phố St. Petersburg, nơi mặt trời không bao giờ ở góc quá 54 độ, và tập trung vào Moskva.
Bằng cách sử dụng công cụ tìm kiếm tiếng Nga Yandex, họ phát hiện ra một ngôi nhà ở Moskva tương đồng với hình ảnh. Sử dụng hình ảnh vệ tinh và hình ảnh địa phương, nhóm xác định rằng vị trí họ tìm kiếm là một con đường nhỏ phía sau một dãy nhà để xe ở quận Severny, phía bắc Moskva.
Gonzales chia sẻ quá trình điều tra của mình trên trang web Bellingcat để những người khác có thể học theo nhưng ông cảnh báo việc này có thể khó khăn. "Khi tôi làm việc, tôi nhìn nó từ góc độ kỹ thuật, nhìn vào từng điểm pixel, từng manh mối, tôi cố gắng không nghĩ về các nạn nhân", ông nói. "Đôi khi tôi bắt gặp các chi tiết, như một cái bóng và tôi biết rằng vụ tôi đang tìm hiểu có liên quan đến hai đứa trẻ. Điều đó thật đáng buồn, vì vậy tôi cố gắng chỉ tập trung vào dữ liệu".
Trong quá khứ, các "thám tử online" từng có những đóng góp đáng kể trong các thảm họa lớn. Năm 2014, nhiều người đã tham gia tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia Airlines, mất tích khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Các tình nguyện viên đã rà soát hình ảnh vệ tinh trải dài hơn một triệu km2 trong dự án Tomnod, để tìm kiếm dấu hiệu mảnh vỡ hay vết dầu loang trên đại dương.
Điểm chung của các dự án này là dựa vào thiện chí của những người không quen biết để hướng tới một mục tiêu chung. Việc nghiên cứu những bức ảnh mờ ảo hoặc rà soát dữ liệu khoa học đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và tập trung trong khi "phần thưởng" có thể là mơ hồ và xa vời. Trong nhiều trường hợp, những người tham gia hiểu rằng những nỗ lực của họ có thể không được công nhận.
Nhưng đối với những người nhàn rỗi, theo dõi biến đổi khí hậu, chống tội phạm hay tìm kiếm người mất tích là những cách dùng thì giờ hợp lý.
Phương Vũ (Theo BBC)