Tổng thống Donald Trump hôm 14/3 ký sắc lệnh viện dẫn Đạo luật Kẻ thù Nước ngoài để nhanh chóng trục xuất những người nhập cư bị xác định là các thành viên băng đảng Tren de Aragua ở Venezuela. Một ngày sau, 5 người nhập cư đệ đơn kiện để tránh bị đưa ra khỏi Mỹ theo lệnh này.
Chính quyền ông Trump sử dụng đạo luật thời chiến từ năm 1798 với lý do những người nói trên phạm tội bạo lực và gửi tiền về Venezuela. Đạo luật này trao cho chính phủ quyền hạn tập hợp nhanh chóng những công dân trên 14 tuổi của "quốc gia thù địch" và trục xuất họ khỏi đất nước mà không cần hoặc chỉ cần rất ít thủ tục tố tụng.
Thẩm phán liên bang ở Washington, James E. Boasberg, phản đối động thái này, cho rằng tiến trình này thiếu những thủ tục tố tụng cần thiết. Người nhập cư cần có cơ hội phản bác cáo buộc rằng họ là thành viên băng đảng trước khi bị đưa ra khỏi Mỹ đến nhà tù ở El Salvador. Thẩm phán cũng đặt ra câu hỏi việc chính quyền Trump sử dụng đạo luật thời chiến có phù hợp với tình hình hiện nay hay không.
Boasberg đã ra chỉ thị hoãn thi hành lệnh, nhưng chính quyền ông Trump phớt lờ. Hai chuyến bay chở người bị trục xuất đã cất cánh trước đó, chuyến thứ ba vẫn khởi hành sau khi Boasberg đưa ra phán quyết. Cả ba phi cơ đều tiếp tục hành trình và hạ cánh ở El Salvado, bất chấp thẩm phán ra lệnh cho chúng quay lại.
Loạt diễn biến khiến căng thẳng gia tăng giữa hai nhánh quyền lực. Tổng thống Trump ngày 18/3 chỉ trích ông Boasberg là "kẻ gây rối và kích động", kêu gọi luận tội thẩm phán.
"Tôi đang làm điều cử tri muốn thực hiện", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. "Thẩm phán này, như nhiều thẩm phán gian trá mà tôi buộc phải trình diện trước đó, nên bị luận tội!!!".

Thẩm phán James Boasberg, chánh án tòa án liên bang tại Washington tháng 3/2023. Ảnh: AP
Boasberg sinh năm 1962 tại San Francisco, bang California. Gia đình ông sau đó chuyển đến Washington. Ông tốt nghiệp cử nhân lịch sử hạng ưu Đại học Yale năm 1985, sau đó là bằng thạc sĩ lịch sử châu Âu hiện đại, Đại học Oxford, năm 1986 và tiến sĩ luật, Trường Luật Yale, năm 1990. Ông và thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh là đồng môn ở Trường Luật Yale.
Boasberg bắt đầu sự nghiệp với vai trò là thư ký Tòa phúc thẩm liên bang Khu vực 9, làm việc đến năm 1991 rồi chuyển sang khu vực tư nhân, làm việc cho công ty luật ở San Francisco, sau đó là Washington. Năm 1996, ông gia nhập Văn phòng Công tố viên liên bang thủ đô Washington, giữ vai trò trợ lý công tố, chuyên phụ trách truy tố các vụ giết người.
Glenn Kirschner, cấp trên của Boasberg tại Văn phòng Công tố viên liên bang Washington, cho biết ông đã giao cho Boasberg xử lý những vụ án giết người khó nhằn nhất và mô tả đây là "một công tố viên nổi bật".
"Tôi nói vậy vì ông ấy chưa bao giờ thất bại khi xử lý các vụ án giết người. Boasberg không có thói quen đề cập bản thân hay thành tựu cá nhân", Kirschner trả lời Washington Post. "Tôi không nghĩ còn ai khác phù hợp hơn để đương đầu những thách thức với nền dân chủ Mỹ".
Tổng thống George W. Bush năm 2002 bổ nhiệm Boasberg làm trợ lý thẩm phán Tòa Thượng thẩm Washington, thụ lý các vụ bạo lực gia đình. Tổng thống Barack Obama sau đó đề cử Boasberg làm thẩm phán tòa án liên bang ở Washington và được Thượng viện xác nhận năm 2011. Năm 2023, ông trở thành chánh án tòa án liên bang ở Washington.
Căng thẳng giữa ông Trump và ông Boasberg xuất hiện lần đầu năm 2021, khi thẩm phán liên bang ở Washington tham gia quá trình điều tra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Ông Boasberg ra phán quyết yêu cầu Mike Pence điều trần trước bồi thẩm đoàn, thuật lại những gì cựu phó tổng thống biết về sự kiện hôm đó.
Boasberg giờ đây tiếp tục đối mặt cơn thịnh nộ của ông Trump vì cản trở nỗ lực trục xuất người nhập cư. Các thẩm phán liên bang có nhiệm kỳ trọn đời và chỉ có thể bị bãi nhiệm khi bị Hạ viện luận tội với đa số phiếu và bị Thượng viện kết tội, tương tự quy trình luận tội Tổng thống hay thành viên nội các. Cáo buộc để luận tội là "phạm tội ác, hành vi sai trái nghiêm trọng", như phản quốc, nhận hối lộ.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Brandon Gill tuần trước đã đưa ra đề xuất luận tội Boasberg, nói rằng thẩm phán "phạm tội nghiêm trọng" và nên bị phế truất.
Trong khi đó, Phó chánh văn phòng Nhà Trắng James Blair nói với Politico việc luận tội thẩm phán hay không "tùy thuộc Chủ tịch Hạ viện", thêm rằng Tổng thống chỉ đang "nêu ra một vấn đề quan trọng".
Khi có nghị sĩ đệ trình nghị quyết luận tội, tài liệu được chuyển cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện xem xét trước khi đưa ra bỏ phiếu tại toàn Hạ viện. Jim Jordan, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói họ "không loại trừ phương án nào".
Theo Trung tâm Tư pháp Liên bang, Hạ viện đã luận tội 14 thẩm phán liên bang và một thẩm phán Tòa án Tối cao. Trong số này, Thượng viện kết tội và phế truất 8 thẩm phán, hai người từ chức trước khi Thượng viện ra phán quyết. Lần gần nhất quốc hội Mỹ bãi nhiệm một thẩm phán liên bang là năm 2010, với cáo buộc nhận hối lộ và có định kiến.
Jeremy Fogel, thẩm phán liên bang về hưu, nói với NPR rằng chưa có thẩm phán nào trong lịch sử Mỹ bị bãi nhiệm "vì phán quyết của họ gây bất bình".

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20/3. Ảnh: AFP
Tình hình căng thẳng đến mức chánh án Tòa án Tối cao John Roberts phải lên tiếng, một động thái hiếm thấy.
"Luận tội chưa bao giờ là cách phù hợp để phản đối một phán quyết tư pháp trong hơn hai thế kỷ qua. Quy trình xét xử phúc thẩm được xây dựng vì mục đích đó", ông Roberts cho biết ngày 18/3.
Ông Trump ngày 20/3 tiếp tục chỉ trích các thẩm phán ra phán quyết bất lợi cho chính quyền, kêu gọi ông Roberts "khắc phục tình trạng chưa từng có này ngay lập tức".
Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi ngày 23/3 chỉ trích ông Boasberg can thiệp vào chương trình nghị sự của chính quyền. "Thẩm phán này đang mất kiểm soát. Ông ấy đang cố gắng kiểm soát toàn bộ chính sách đối ngoại của chúng ta", bà nói.
Bất chấp đối mặt nhiều chỉ trích, ông Boasberg đầu tuần này ra phán quyết giữ nguyên lệnh chặn chính quyền Trump sử dụng đạo luật thời chiến để trục xuất người di cư Venezuela. "Không thể để xảy ra việc trục xuất nhầm người dựa trên các cáo buộc mà họ không có quyền phản bác. Công chúng được hưởng lợi khi chính phủ tuân thủ luật pháp", thẩm phán viết.
Như Tâm (Theo Washington Post, CBS News, NPR)