Một sáng tháng 4/2012, Johnson xuất hiện trước thẩm phán Les Hayes trong phòng xét xử tại thành phố Montgomery, bang Alabama. 8 năm qua, Johnson chật vật trả tiền cho hàng trăm vé phạt giao thông, dù tất cả chỉ bắt đầu từ lỗi cô không thể chứng minh xe có bảo hiểm.
Theo quy định, việc không trả vé phạt cũng đồng nghĩa với việc bị tạm giữ bằng lái. Thêm một vé phạt là thêm "gánh nặng" với Johnson, người chỉ có mức lương tối thiểu từ công việc bồi bàn song phải một mình nuôi ba con. Bất chấp bị thu bằng, Johnson vẫn phải lái xe đưa con đi học, khám bệnh, mua đồ ăn và đi làm, từ đó càng nhận thêm nhiều vé phạt. Dù van xin, Johnson bị phạt gần 500 ngày tù vì nợ hơn 12.000 USD, mỗi ngày tương ứng 25 USD.
Một thời gian sau, phán quyết trên của thẩm phán Hayes được xác định là đã vi phạm pháp luật vì ông không tổ chức phiên điều trần để xác định Johnson có "cố tình" quỵt tiền phạt hay không. Ngoài ra, Hayes còn tính sai làm tăng gấp đôi khoản nợ của Johnson, từ đó phạt tù oan bị cáo.
Tác động của bản án với Johnson vẫn còn kéo dài tới hôm nay. Khi Johnson ngồi tù, ba con gái của chị bị chuyển cho cha mẹ nuôi tạm thời, trong đó một em bị xâm hại, một em khác bị bạo hành. "Thẩm phán Hayes đã tước đoạt cuộc sống của tôi mà không quan tâm tới hậu quả lũ trẻ phải chịu", Johnson nói.
Năm 2016, cơ quan giám sát thẩm phán bang Alabama cáo buộc Hayes vi phạm bộ quy tắc ứng xử tư pháp ở cả cấp tiểu bang và liên bang khi bỏ tù Johnson cùng hàng trăm người dân nghèo do không thể trả tiền phạt tại thành phố Montgomery. Trong những người bị phạt tù có thợ sửa ống nước phải chật vật lo tiền trọ, bà mẹ nhịn ăn để lo viện phí cho người con khuyết tật, cô gái làm tạp vụ khách sạn để có tiền học đại học.
Hayes thừa nhận từ khi nhậm chức năm 2000 đã vi phạm 10 nội dung trong bộ quy tắc ứng xử của bang Alabama, trong đó có "tôn trọng và tuân thủ luật pháp", nghĩa vụ quan trọng nhất của người thẩm phán.
Bất chấp mức độ nghiêm trọng của sự việc, Hayes không bị cấm hành nghề thẩm phán mà chỉ bị cho tạm nghỉ không lương trong 11 tháng, theo thỏa thuận với Ủy ban giám sát tư pháp. Đầu tháng 7, Hayes sẽ nghỉ hưu sau 20 năm làm thẩm phán, nhưng một số người dân địa phương cho rằng Hayes lẽ ra phải bị sa thải nhiều năm trước.
Theo cuộc điều tra đặc biệt công bố ngày 30/6 của Reuters, Hayes chỉ là một trong số hàng nghìn thẩm phán cấp tiểu bang và địa phương vẫn được "chiếc ghế" quyền lực dù vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc quy định của pháp luật.
Trường hợp nổi bật là Kim Chaney, thẩm phán hạt Cullman, bang Alabama và cũng là thành viên trong Ủy ban giám sát tư pháp của tiểu bang. Thẩm phán này bị cáo buộc "thiên vị người trong gia đình" khi chỉ định con trai làm luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo trong ít nhất 200 vụ án, giúp người con kiếm được ít nhất 105.000 USD trong hơn hai năm.
Tới tháng 2, nhiều tháng sau khi bị báo chí liên tục truy hỏi, thẩm phán Chaney mới từ chức theo thỏa thuận với nhà chức trách tiểu bang. Đổi lại, Chaney sẽ ngưng bị điều tra.
Theo nhiều chuyên gia về sai phạm tư pháp, những hành vi như trên có khả năng làm suy giảm niềm tin vào tòa án. Nếu không xử phạt nặng, đây có thể là "bùa hộ mệnh" cho phép thẩm phán hành động không mà sợ hậu quả.
Các quy định hiện hành được cho là có xu hướng nghiêng về bảo vệ quyền lợi và danh tiếng của thẩm phán mà bỏ qua tác động của hành vi sai phạm đối với nạn nhân, những người như Marquita Johnson.
Các nạn nhân nếu muốn việc đệ đơn khiếu nại thì cũng gặp nhiều khó khăn vì phải gửi dưới dạng văn bản và có công chứng. Khiếu nại qua điện thoại, thư điện tử, và nặc danh lại không được chấp nhận. Quy định này khiến nhiều luật sư và đương sự không dám công khai tố cáo vì sợ bị trả thù.
Ở hầu hết các bang, nhân viên của Ủy ban thẩm tra có thể bắt đầu điều tra thẩm phán sau khi nhận tin báo qua điện thoại hoặc email (kể cả nặc danh), qua báo chí, hoặc biên bản tòa. Tuy vậy, nhân viên của ủy ban lại phải thông báo đầy đủ thông tin cho thẩm phán bị khiếu nại trong suốt cuộc điều tra. Nếu nhân chứng khai báo, biên bản lời khai cũng sẽ được chuyển cho thẩm phán. Những quy định này càng khiến nạn nhân lo sợ mà không dám tố cáo thẩm phán làm sai luật.
Quốc Đạt (Theo Reuters)