Vào năm 2018, người đàn ông tên Coella, 96 tuổi, phải trình diện tại tòa để phân xử vì hành vi đi quá tốc độ cho phép trong khu vực trường học, nơi tốc độ tối đa là 20 dặm/h (32 km/h).. Theo luật Mỹ, vi phạm tốc độ ở khu vực này có thể đối diện với án phạt lên đến 100 USD.
Ông Coella trình bày rằng ông không nghĩ mình lái xe nhanh đến thế, vì lúc ấy đang chở người con trai 63 tuổi tật nguyền bị ung thư đến bệnh viện để xét nghiệm máu, và việc này được thực hiện mỗi 2 tuần. Coella nhấn mạnh bản thân đã già, vì thế việc lái xe ra đường chỉ thực hiện khi thật cần thiết.
Xét xử vụ việc của ông là thẩm phán Frank Caprio, lúc này 82 tuổi. Ông Caprio đánh giá cao hành động này, nói rằng người bố 96 tuổi vẫn chăm sóc cho con là một điều rất đáng quý, và đùa rằng: "Ông làm như thế thì đứa con tôi cũng sẽ đòi tôi chở đi khắp nơi lúc tôi lên 90 tuổi đấy".
Thẩm phán Caprio kết thúc vụ xét xử bằng những lời chúc tới ông Coella, và tuyên bố vụ việc được bác bỏ ngay lập tức. Ông Coella không bị phạt vì hành vi lái xe nhanh trong khu vực trường học.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc mà thẩm phán cao tuổi Frank Caprio phán xử. Ông là thẩm phán của thành phố Providence, tiểu bang Rhode Island, Mỹ. Caprio trở nên nổi tiếng kể từ khi xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế Caught in Providence - nơi ghi lại các phiên xét xử của ông, chủ yếu là các lỗi nhỏ về giao thông, như chạy quá tốc độ, đỗ xe sai chỗ...
Quan niệm của ông về việc xử lý vi phạm là hình phạt không phải lúc nào cũng là cách phù hợp để yêu cầu người dân tuân thủ luật lệ, thay vào đó giáo dục họ, giúp họ nhận ra sai lầm có thể mang đến những kết quả tích cực hơn. Cách giải quyết các vụ vi phạm luật của ông được đánh giá là nhân văn, được sự ủng hộ của của khán giả xem truyền hình.
Một vụ việc khác được xét xử vào năm 2016 bởi thẩm phán Caprio về hành vi vượt đèn đỏ của cậu sinh viên cấp 3. Mặc dù cậu sinh viên cho rằng mình vượt đèn vàng chứ không phải đèn đỏ, thẩm phán Caprio đã chứng minh cậu ta sai bằng video được ghi lại bởi camera giao thông nơi cậu vi phạm. Tuy nhiên, khi biết cậu sinh viên đang chuẩn bị vào đại học, thẩm phán đã quyết định tha bổng cho hành vi vượt đèn đỏ, với một điều kiện duy nhất: cậu phải đậu đại học.
Vụ việc khác trong 2017 cũng cho thấy rõ cách xét xử nhân văn của vị thẩm phán Caprio. Sau khi một cựu chiến binh nghe Caprio đọc các sai phạm về việc đỗ xe sai chỗ, ông đã ngay lập tức nhận sai và được yêu cầu giải thích về hành vi này.
Cựu chiến binh cho rằng bản thân là cựu chiến binh, đậu xe trên vỉa hè bệnh viện để điều trị bệnh, nhấn mạnh thường gặp khó khăn khi tìm chỗ đỗ ở đó, vì thế hy vọng tòa sẽ xem xét một bản án nhẹ hơn cho ông, và các cựu chiến binh khác khi điều trị tại bệnh viện. Caprio đáp lại bằng những lời khen ngợi sự cống hiến của các cựu chiến binh, và kết thúc phiên tòa bằng cách bác bỏ vụ việc trên cùng với mọi khoản phạt mà vị cựu chiến binh đáng lẽ phải chịu.
Ông Caprio từng chia sẻ với trang The Post rằng: "Tôi hiểu rằng các quyết định, phán quyết có thể ảnh hưởng đến công việc, gia đình và cuộc sống của ai đó. Cho nên tôi luôn đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Khi xét xử, tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của những người trước mặt tôi".
Chính vì luôn đặt những câu hỏi như vì sao họ vi phạm, đó có phải là cố tình hay vô ý, làm sao để họ không tái phạm nữa... để cân nhắc khi xử phạt, cách giải quyết không theo kiểu truyền thống của thẩm phán Caprio đã lấy được sự đồng cảm và ủng hộ của những người dân thành phố Providence. Trên thực tế, nơi đây là một trong những khu vực có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp nhất nước Mỹ.
Tân Phan