Vụ tấn công khủng bố xảy ra lúc 14h45 ngày 15/4 theo giờ địa phương ở địa điểm gần vạch đích của cuộc thi chạy quốc tế thường niên Boston Marathon. Hai tiếng nổ lớn được ghi nhận tại quảng trường Copley, ở thủ phủ Boston của bang Massachusetts. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại nước Mỹ kể từ sau vụ 11/9/2001. Ảnh: BostonGlobe |
Vụ nổ làm 3 người chết, trong đó có một trẻ em 8 tuổi, và hơn 170 người bị thương. Các nhân chứng mô tả vụ nổ "giống như tiếng nổ của đại bác vậy". Những bức ảnh được chụp tại hiện trường cho thấy nhiều người được đưa đi trên cáng, có người đàn ông được đưa lên xe đẩy với máu dính đầy trên mặt và chân. Ảnh: DobsonAgency |
Các nhà điều tra xem xét hiện trường vụ đánh bom kép đẫm máu và thề sẽ tìm ra thủ phạm của vụ việc dù có phải "lục tung trái đất". Ảnh: AFP |
Theo những hình ảnh của camera giám sát ghi lại được, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố chân dung hai kẻ bị tình nghi gây ra vụ đánh bom và tiến hành truy đuổi. Kẻ đội mũ đen ban đầu được gọi là Nghi phạm Một, sau được xác định có tên Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi. Tên này trúng vài phát đạn khi bị cảnh sát truy đuổi trong ngày 19/4 và sau đó chết trong bệnh viện vì bị thương nặng. Trong quá trình chạy trốn, Nghi phạm Một chạy qua Viện Đại học Massachusetts ở ngoại ô Boston và làm một cảnh sát tại đây thiệt mạng. Kẻ đội mũ trắng, Nghi phạm Hai, cũng đã được xác nhận danh tính là Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, em trai của Nghi phạm Một. Ảnh: CNN |
Video hai nghi phạm đánh bom ở Boston |
Hai tên này là anh em một nhà và có nguồn gốc Chechnya (một nước cộng hòa thuộc Nga). Nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev vẫn đang lẩn trốn và đội đặc nhiệm SWAT được huy động lùng sục tên này ở từng ngôi nhà trong thành phố Boston. Giao thông công cộng bị đình trệ, trường học phải đóng cửa và cảnh sát khuyên người dân nên ở trong nhà và không mở cửa cho người lạ. Ảnh: AFP |
Giới chức liên bang Mỹ coi vụ đánh bom là hành vi khủng bố và lên tiếng sau vụ nổ, Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói: "Bất kể cá nhân hay tổ chức nào chịu trách nhiệm về vụ tấn công đều sẽ bị trừng phạt thích đáng trước công lý". Ông cũng ca ngợi Boston là một thành phố kiên cường và mạnh mẽ, đồng thời nhấn mạnh rằng người Mỹ sẽ sát cánh cùng các công dân của thủ phủ bang Massachusetts. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, chính ông Obama cũng là mục tiêu để những kẻ tấn công nhắm đến. Hôm 17/4, Mật vụ Mỹ thông báo một bức thư chứa vật thể khả nghi được phát hiện tại một điểm rà soát thư ở bên ngoài Nhà Trắng. Sau đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho hay lá thư gửi Obama dương tính với chất độc gây chết người ricin. Một nghị sĩ khác cũng nhận được bức thư có chất độc tương tự và đến buổi chiều cùng ngày, một nghi phạm, được xác định là Kenneth Curtis, ở Tupelo, bang Mississippi, bị bắt giữ. Ảnh: Therealdeal |
Không lâu sau vụ đánh bom chết người ở Boston, một vụ nổ kinh hoàng xảy ra lúc 19h50 ngày 17/4 tại nhà máy phân bón West ở bang Texas. Vụ nổ tương đương với một trận động đất 2,1 độ Richter, được miêu tả to "như bom hạt nhân", san phẳng nhiều tòa nhà và khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Nhà chức trách chưa thu thập được con số thương vong chính xác mà chỉ ước tính có khoảng 5-15 người chết và hơn 160 người bị thương. Ảnh: CNBC |
Đồ vật, xe cộ biến dạng trong đám cháy. Diễn biến ban đầu là một đám cháy ở nhà máy, tiếp đó đến vụ nổ khiến một quả cầu lửa lớn bốc lên trời, khói đen dày đặc. "Lúc đầu đám cháy nhỏ thôi nhưng sau đó khi nước được phun vào chất ammonia nitrate, nó nổ như quả bom ở thành phố Oklahoma", một nhân chứng kể và nhắc đến vụ nổ bom từng làm chết 168 người năm 1995. Ảnh: AP |
Một ngày sau vụ nổ, khói vẫn cuồn cuộn trên đống đổ nát của nhà máy, những ngôi nhà lân cận bị tốc mái và một lượng lớn kim ngoại bị bắn ra cánh đồng ngô. Đội cứu hộ đi đến từng căn nhà trong đống đổ nát tại khu vực gần nhà máy, viện dưỡng lão lân cận và cả ở trong nhà máy để tìm kiếm thi thể nạn nhân và những người có thể còn sống sót. Ảnh: AFP |
Người dân tập trung ở nhà thờ St. Mary ở gần nhà máy để cầu nguyện cho những nạn nhân trong vụ nổ. Ảnh: AFP |
Tại Boston, nhiều người cũng đặt hoa tại khu vực quảng trường Copley với những lời an ủi, động viên "Hãy kiên cường, Boston", cũng chính là lời động viên với toàn nước Mỹ vượt qua những thảm kịch liên tiếp. Ảnh: AFP |
Vũ Hà