Thái tử Charles nói với BBC trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 11/10 rằng chiếc xe thể thao Aston Martin DB6 màu xanh lam của ông, sản xuất năm 1970, sử dụng nhiên liệu E85 được sản xuất bằng cách pha trộn 85% ethanol, chất thải thực phẩm và 15% xăng không chì.
"Chiếc Aston Martin cũ mà tôi sở hữu 51 năm hiện vẫn hoạt động. Mọi người tin được không, chạy bằng rượu thừa và nước sữa từ quá trình làm pho mát", Thái tử 72 tuổi nói.
Phát biểu của Thái tử Anh lập tức vấp phải tranh cãi và nhiều câu chuyện hài hước trên mạng xã hội. Nhiều người dùng Twitter đùa rằng họ cũng "chạy" bằng rượu và pho mát. "Tôi là dạng người không bao giờ để thừa rượu", một người dùng Twitter viết.
Thông tin được Thái tử Charles đưa ra vào thời điểm các tài xế Anh đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu, buộc phải xếp hàng nhiều giờ để đổ xăng dầu. Một số người dùng mạng xã hội cho rằng sự tương phản giữa xe của Thái tử và cảnh người dân xếp hàng đổ xăng thể hiện khoảng cách giàu nghèo.
Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường nói rằng hoạt động trồng ngô chế xuất ethanol ảnh hưởng đến đất đai sản xuất các loại lương thực, cũng như tiêu thụ lượng lớn phân bón tổng hợp và thuốc diệt cỏ.
Thái tử Charles là nhà vận động môi trường lâu năm và đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg. Ông từng gọi chiếc Aston Martin là "cỗ máy xanh bền vững phù hợp với những nỗ lực thân thiện với môi trường" của bản thân.
Greg Archer, giám đốc phụ trách ở Anh của T&E, nhóm vận động giao thông sạch châu Âu, cho rằng giải pháp của Thái tử Charles với chiếc xe Aston Martin của ông không thể được coi là biện pháp quan trọng để khử carbon cho các phương tiện giao thông.
Ethanol thường được sản xuất bằng cách lên men đường và các thành phần tinh bột của các sản phẩm phụ thực vật từ mía và ngũ cốc. Archer cho rằng việc trồng cây chỉ để chiết xuất ethanol dẫn đến hoạt động phá rừng và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.
Huyền Lê (Theo DPA)