Thái tử Charles, Thân vương xứ Wales, con trai Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth II, là người sẽ thừa kế ngai vàng nước Anh. Suốt hàng thập kỷ qua, cả Thái tử và cha ông đều đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho Nữ hoàng, nhưng họ có cách tiếp cận không giống nhau.
Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh, là một cựu sĩ quan hải quân có phong cách nói chuyện thẳng thắn, đức tính kiên định, giữ vai trò giúp Nữ hoàng xử lý các vấn đề gia đình ở hậu trường.
Thái tử Charles là người luôn tôn trọng các quy tắc hoàng gia, đặc biệt là quy ước về tính trung lập chính trị. Tầm nhìn của Thái tử về một chế độ quân chủ thu hẹp quy mô cũng như giảm thiểu chi phí đang thành hình nhưng hiện, ông lại phải vật lộn để giữ vững gia đình giữa hàng loạt vấn đề và bê bối.
Nỗ lực mà Thái tử Charles hướng đến trong việc định hướng lại vai trò của Thân vương xứ Wales với tư cách người đại diện cho sự thay đổi đã nhận về cả những lời tán dương lẫn chỉ trích. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Thái tử thường xuyên xếp sau các thành viên khác trong hoàng gia về mức độ được yêu thích.
Lời kêu gọi tạo ra những thay đổi căn bản của Thái tử không được nhiều người hưởng ứng khi bản thân ông vẫn chấp nhận một số đặc quyền dành cho hoàng gia.
Cái chết của Hoàng thân Philip được cho là sẽ mang đến cơ hội hòa giải khi mà cả hoàng gia và đất nước đang đồng lòng tưởng nhớ ông. "Nguồn năng lượng mà cha dành để hỗ trợ mẹ thật đáng kinh ngạc và ông đã làm thế suốt quãng thời gian dài", Thái tử Charles hồi cuối tuần qua chia sẻ trên truyền thông.
Theo giới quan sát, Thái tử Charles trong những năm tới sẽ phải đối diện với thách thức không nhỏ về xây dựng thương hiệu, hình ảnh cá nhân.
Robert Hazell, chuyên gia về hiến pháp Anh, giáo sư tại Đại học London, cho rằng khi Thái tử Charles tiếp quản ngai vàng, ông sẽ lên ngôi với hình ảnh "già nua, kém hấp dẫn", đối lập với hình ảnh trẻ trung và quyến rũ của Nữ hoàng Elizabeth khi bà lên ngôi vào năm 1952.
Hoàng tử William, 38 tuổi, con trai cả của Thái tử Charles, thậm chí còn nổi tiếng hơn ông, làm dấy lên câu hỏi liệu ông có đứng sang một bên và nhường ngôi lại cho con trai vì sự vững chắc của hoàng gia hay không, Hazell đánh giá.
Tuy nhiên, những người khác cho rằng rủi ro đang bị thổi phồng quá mức. "Linh cảm của tôi là Thái tử Charles sẽ là một vị vua hoàn toàn thành công theo cách của ông ấy", Philip Eade, tác giả cuốn sách "Thời trẻ của Hoàng thân Philip", nhận xét.
Thái tử Charles đang phải đối mặt với nhiệm vụ kép là quản lý các vấn đề nội bộ gia đình và cố gắng định hình lại chế độ quân chủ. Thái tử đã tham gia rất tích cực vào nỗ lực giải quyết những khủng hoảng liên quan đến việc Hoàng tử Harry, con trai thứ của ông, rời bỏ hoàng gia sau khi kết hôn với nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle.
Cuộc chia tay này đã trở nên độc hại. Công tước và Nữ công tước xứ Sussex, hiện sinh sống ở California, Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey hồi tháng trước, nói rằng vẫn có sự phân biệt chủng tộc tồn tại trong hoàng gia. Cặp đôi còn phàn nàn về việc Điện Buckingham từ chối để họ vừa đại diện cho hoàng gia vừa theo đuổi những dự án cá nhân.
Thái tử Charles bên cạnh đó cũng phải xử lý những rắc rối liên quan tới mối quan hệ giữa em trai ông, Hoàng tử Andrew, với tỷ phú ấu dâm Jeffrey Epstein. Một trong các nạn nhân của Epstein nói rằng cô đã bị ép quan hệ tình dục với Hoàng tử Andrew, điều mà ông cực lực phủ nhận.
Theo lệnh của Thái tử Charles, Hoàng tử Andrew đã bị tước bỏ mọi nghĩa vụ hoàng gia. Tuy nhiên, Hoàng tử vẫn sống trong lâu đài của Nữ hoàng ở Windsor và vẫn có tước hiệu hoàng gia.
Khác với cha mình, một anh hùng thời chiến, Thái tử Charles phải luôn cố gắng để sống đúng với nguyên mẫu người kế thừa ngai vàng. Tại trường nội trú ở Scotland, ông thậm chí bị tẩy chay và bắt nạt. Ông được Nữ hoàng phong làm Thân vương xứ Wales vào năm 1969. Như một truyền thống của hoàng gia, Thái tử Charles sau đó bắt đầu sự nghiệp trong quân đội, có vài năm phục vụ hải quân.
Tuy nhiên, Thái tử đã nhanh chóng định hình lại hình ảnh bản thân như một người vận động của hoàng gia. Giống với cha mình, Thái tử tâm niệm rằng hoàng gia Anh nên giành được vị trí của mình trong lòng người dân thông qua những việc làm tốt. Năm 1976, ông thành lập tổ chức Prince’s Trust và tham gia hoạt động với hơn 400 tổ chức khác nhau. Thái tử chủ yếu tập trung vào các mối quan tâm về môi trường.
Dù vậy, vai trò này của Thái tử bị lu mờ bởi sự chú ý quá lớn của truyền thông đối với cuộc hôn nhân đầu tiên giữa ông với Công nước Diana, người đã sinh cho Thái tử hai con trai và qua đời vì tai nạn xe hơi.
Thái tử Charles "bị kẹt giữa thế giới hiện đại và thế giới của cha mẹ ông", người viết tiểu sử Sally Bedell Smith bình luận.
Cái chết của Công nương đã buộc hoàng gia Anh phải hiện đại hóa và suy nghĩ lại về mối quan hệ với công chúng. Điều này tạo ra không gian cho Thái tử Charles xây dựng lại cuộc sống riêng. Năm 2005, Thái tử kết hôn lần hai với bạn gái cũ Camilla.
Thân vương xứ Wales nói rằng cách điều hành của ông sẽ thay đổi nếu ông trở thành vua. "Suy nghĩ rằng tôi vẫn sẽ đi theo con đường giống hệt như cũ nếu kế vị ngai vàng thật sự vô lý. Hai tình huống hoàn toàn khác nhau", Thái tử Charles nói trong một bộ phim tài liệu của kênh BBC về cuộc đời ông phát sóng hồi năm 2018.
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)