Các bàn thắng của Australia vào lưới Thái Lan đều là chuyền vào chỗ trống, tự đồng đội phải hiểu ý chạy chỗ, bứt tốc và chiếm lĩnh khoảng trống ấy để đón bóng. Muốn chơi được như vậy thể lực của các cầu thủ phải vượt trội hơn đối thủ. Rõ ràng, Thái Lan thua hẳn về thể lực so với Australia. Nếu người Thái với thể lực kém hơn cũng chơi như vậy thì đồng đội chưa kịp chạy đến chỗ trống ấy đã mất bóng.
Trận đấu giữa hai đội bóng thuần túy là đua sức. Đã đua sức thì không cần bài. Anh bắt bài người ta thế nào khi sức không đủ? Người ta không thèm bắt bài anh vì họ nhanh hơn, mạnh hơn. Thái Lan thua trận này là do đấu pháp không hợp lý. Lẽ ra họ có thể cầm hòa hoặc thắng Australia. Sau bàn thắng mở tỷ số, lẽ ra họ nên lui về phòng thủ, chờ cơ hội phản công để đỡ tốn sức lực hơn.
Màn trình diễn của Australia cho thấy họ không phải là đội bóng mạnh, họ chỉ hơn Thái Lan về mặt cơ bắp. Bởi vậy mới nói, thể lực là cái tối thiểu nhất để đua tranh. Ngang bằng về thể lực rồi mới có thể nghĩ đến chiến thuật, kỹ thuật cá nhân, đấu pháp.... Nếu Thái Lan có thể lực ngang bằng đối thủ thì trận này Australia sẽ thua rất đậm chẳng kém gì Bahrain.
Khu vực Đông Nam Á vốn bị xem là vùng trũng của bóng đá thế giới là do mặt bằng thể lực kém. Thể lực kém thì tốc độ trận đấu chậm vì phải giữ sức để chạy cho hết 90 phút. Nếu liều lĩnh đẩy tốc độ trận đấu lên ngay từ đầu thì cầm chắc hiệp hai chỉ có đi bộ. Chạy chậm thì không cần các bài phối hợp linh hoạt và đa dạng, không cần phải chuyền vào chỗ trống, khống chế bóng sống.... Thay vào đó sẽ là lối đá chậm rãi, rê dắt, gây ức chế đối thủ. Xem các giải đấu ở Đông Nam Á cũng như V-League người ta thường thấy tốc độ trận đấu rất chậm, đôi khi là buồn tẻ dù đội bóng nào đó có thắng đậm hay thua đậm. Cả người thắng lẫn kẻ thua đều đá chậm rãi, rề rà, câu giờ suốt cả 90 phút.
Sơ đồ mà ông Park thường sử dụng là 3–4–3, cũng là sơ đồ bóng đá tổng lực của Hà Lan. Sơ đồ này vốn dĩ thiên về tấn công nhiều hơn phòng thủ, rất nặng về cơ bắp thể lực. Tuy nhiên, có lẽ do có thời gian làm trợ lý cho HLV danh tiếng của Hà Lan là Guus Hiddink nên ông Park đã học được cách biến hóa sơ đồ này sao cho linh hoạt, áp dụng vào các đội U của Việt Nam - vốn có nền tảng thể lực kém, thiên về phòng ngự phản công.
Sơ đồ phòng ngự phản công chính gốc phải là sơ đồ 5–3–2 của người Ý với một trung vệ, bốn hậu vệ dâng lên hỗ trợ cho tuyến giữa, tiền vệ giữa sân là tiền vệ phòng ngự sẵn sàng lui về hỗ trợ tuyến dưới. Trước khi có ông Park, bóng đá Việt Nam khi đá ở khu vực hầu như đều dùng sơ đồ này. Tuy nhiên, không ai cũng biết cách biến hóa sơ đồ này nên chúng ta luôn thiếu người, đặc biệt là vị trí trung vệ và tiền vệ phòng ngự. Thiếu hai vị trí này, chúng ta cực kỳ kém trong việc phản công cũng như phòng ngự ở trung lộ. Chúng ta luôn bị người Thái bắt bài cũng vì vậy.
Không ít HLV ngoại đến Việt Nam, ngay từ đầu đã thể nghiệm sơ đồ 4–4-2 và họ đã thất bại. Đây là sơ đồ chiến thuật rất phổ biến trên thế giới, công thủ cân bằng, biến hóa linh hoạt, áp dụng được cho hầu hết các đấu pháp. Sơ đồ này đòi hỏi các cầu thủ phải đá được ở nhiều vị trí khác nhau để phục vụ cho sự biến hóa linh hoạt ấy, nhưng cầu thủ Việt không có nhiều người có thể đá được như vậy. Mỗi lần tập trung đội tuyển, HLV luôn phải đau đầu vì tìm không ra người có thể đảm nhận những vị trí chủ chốt. So với Thái Lan, chúng ta ít sự lựa chọn hơn rất nhiều. Đội hình của người Thái khá đồng đều còn đội hình của ta trong trận đấu với UAE đã bộc lộ sự không đồng đều này. Đó sẽ là một điều khiến người hâm mộ phải lo lắng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.