Chính phủ Thái Lan tuần trước thông báo sẽ áp dụng chiến lược chủ động hơn nhằm xử lý những bê bối, lùm xùm liên quan đến các nhà sư và giới tăng lữ nước này, trước khi chúng trở thành những vấn đề bức xúc trong dư luận.
Đây được coi là bước thay đổi mạnh mẽ của Thái Lan nhằm bảo vệ Phật giáo trước các bê bối. Trước đây, Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan (NOB) thường chỉ xử lý vấn đề sau khi chúng xuất hiện và gây bất bình trong dân chúng.
"Từ giờ trở đi, NOB sẽ chủ động tìm kiếm dấu hiệu của các rắc rối liên quan đến giới tăng lữ và xử lý trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn", Chousak Sirinil, quan chức Văn phòng Thủ tướng phụ trách NOB, cho hay.
Ông Chousak thêm rằng giới chức sẽ tăng cường nỗ lực truy quét các hoạt động bất hợp pháp trong nhà chùa, như cờ bạc, nghiện hút, ngăn các hành vi lạm dụng nơi thờ tự cho các mục đích phi pháp. Chính phủ cũng sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để xử lý những hành vi vi phạm giáo lý nhà Phật, trong đó có sai phạm của nhà sư như phá giới hay lạm dụng mạng xã hội.
Động thái được giới chức Thái Lan tiến hành sau khi dư luận nước này chấn động với việc cảnh sát khám xét và phát hiện tổng cộng 73 thi thể tại hai cơ sở thiền định ở huyện Pho Thale và Bang Mun Nak, cùng thuộc tỉnh Phichit, miền bắc nước này. Hai cơ sở thiền định này đều liên quan đến nhà sư Saifon Phandito, người đang bị thẩm vấn để làm rõ nguồn gốc các thi thể.
Nhà sư Saifon Phandito khẳng định các thi thể đều là của các tín đồ và người thân, những người đã đồng ý cho các nhà sư lưu giữ thi thể để thiền định. Dù vậy, phương pháp thiền cùng tử thi vẫn gây nhiều tranh cãi trong dư luận vì có thể vi phạm các quy định pháp luật về nơi chôn cất, hỏa táng người chết.
Niềm tin vào Phật giáo ở Thái Lan gần đây phần nào suy giảm sau loạt vụ bê bối liên quan đến các nhà sư. Năm ngoái, sau khi có thông tin về bê bối tình dục liên quan đến nhà sư nổi tiếng Phra Khom, cảnh sát Thái Lan đã đột kích, khám xét chùa Wat Pa Thammakhiri do ông này trụ trì và sửng sốt trước những gì phát hiện được.
Tại ngôi chùa nằm ẩn mình giữa những ngọn đồi ở ngoại ô Bangkok, giới chức tìm thấy nhiều vali đầy tiền mặt, những thỏi vàng chôn trên sườn đồi, cùng giấy tờ ghi chép các khoản tiền tổng cộng 2,2 triệu USD được chuyển đến tài khoản của chị gái nhà sư Phra Khom.
Hồi đầu năm, Thái Lan kết án Phra Khom 468 năm tù. 6 nhà sư khác liên quan đến bê bối này cũng bị kết án.
Vụ án gây rúng động toàn quốc, nhưng đây không phải lần đầu Thái Lan phát hiện "sư hổ mang". Giới chức nước này hầu như mỗi tuần đều nhận được tin trình báo về nhà sư tàng trữ ma túy, lái xe khi say rượu, tham nhũng, có hành vi bạo lực, thậm chí là hiếp dâm và giết người.
Đó là chưa kể những bê bối nhỏ hơn, như vụ nhà sư trẻ Phra Kato, vốn rất nổi tiếng trên mạng xã hội vì vẻ điển trai, bị phát hiện tằng tịu với một người mẫu vào đầu năm 2022. Phra Kato bị đuổi khỏi chùa, sau đó bị cáo buộc "thụt két" tiền công đức để chi tiền bịt miệng cho nhân tình, điều mà anh này bác bỏ.
Khi những tin tức như vậy trở nên quen thuộc, niềm tin vào giới tăng lữ bị sứt mẻ nghiêm trọng. Đây được coi là vấn đề hệ trọng ở Thái Lan, quốc gia có 90% dân số theo Phật giáo và 280.000 nhà sư nhận được sự kính trọng đặc biệt.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8/2023, Phra Paisal Visalo, trụ trì tại một trong những tu viện được kính trọng nhất nước ở tỉnh Chaiyaphum, lo lắng không biết bao nhiêu nhà sư trong số này giữ được giới luật.
"Bê bối xảy ra rất nhiều. Tôi cho rằng Phật giáo Thái Lan hiện nay, đặc biệt là trong giới sư sãi, đang lâm vào khủng hoảng đức tin. Nếu không cải cách khẩn cấp các tổ chức tôn giáo, tôi e Phật giáo ở Thái Lan không có tương lai", ông Visalo nói.
Các bê bối trong chùa chiền không chỉ dừng ở những trường hợp cá biệt. Thái Lan từng phát hiện những vụ toàn bộ ngôi chùa tha hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tín đồ, Phật tử địa phương.
Tháng 11/2022, toàn bộ 4 nhà sư, gồm cả trụ trì, tại một chùa ở tỉnh Phetchabun bị phát hiện dương tính với ma túy đá, bị buộc hoàn tục và đi cai nghiện. Chùa bỏ trống, không còn nhà sư nào để dân đến cúng dường, phải mời các nhà sư từ nơi khác đến làm lễ.
Trước đó một năm, toàn bộ 4 nhà sư, gồm cả trụ trì, tại một chùa ở tỉnh Chumphon cũng bị bắt khi giới chức tiến hành chiến dịch truy quét ma túy. Cảnh sát đã tìm thấy ma túy đá và dụng cụ sử dụng ma túy trong phòng ngủ của các sư.
"Không thể tưởng tượng nổi toàn bộ sư trong một ngôi chùa đều nghiện ma túy. Khi sự việc vỡ lở, người dân cảm thấy đức tin bị phản bội", Terdsak Pudwanna, trưởng làng địa phương, nói.
Dân làng đã gửi tro cốt người thân tại bảo tháp trong khuôn viên chùa qua nhiều thế hệ. Cảnh sát tiến hành khám xét chùa khi Ladawan, dân địa phương, đang tổ chức tang lễ cho bố ở đây. "Tôi cảm thấy buồn, cực kỳ buồn, bởi bảo tháp là nơi yên nghỉ của tổ tiên chúng tôi", cô nói.
Lo ngại về tình trạng "sư hổ mang" ở Thái Lan bắt đầu từ những năm 1990, khi nước này rúng động vì các cáo buộc tình dục nhắm vào nhà sư nổi tiếng Phra Yantra Amaro Bhikku.
Một thập kỷ sau, nhà sư Wirapol Sukphol gây bức xúc dư luận sau video ông này ngồi máy bay riêng, xách túi hiệu, đếm những xấp tiền lan truyền trên YouTube. Sukphol sau đó bị kết tội rửa tiền, lạm dụng tình dục.
Sư trụ trì Phra Paisal Visalo lo ngại nhiều nhà sư Thái Lan đang chìm đắm vào văn hóa tiêu dùng xung quanh họ. "Họ trước đây dẫn đường cho Phật tử tìm bình yên nơi nội tâm, nay lại đi theo Phật tử trên con đường làm giàu", ông phê phán.
Hệ thống quản lý, kiểm toán chùa chiền thiếu minh bạch của Thái Lan được xem là một trong những lý do khiến các "sư hổ mang" lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Tiền công đức của khoảng 43.000 ngôi chùa ở Thái Lan ước tính lên tới 4 tỷ USD mỗi năm, chưa kể 170 triệu USD hỗ trợ từ chính phủ, nhưng việc giám sát, kiểm toán dòng tiền này là gần như không thể.
Trong trường hợp ở chùa Wat Pa Thammakhiri tại ngoại ô Bangkok, sư Phra Khom đã không thành lập hội đồng quản trị tài chính hay chỉ định một người quản lý tài chính, nhằm "thao túng tiền quỹ, công đức với số lượng lớn mà không ai biết".
Hành vi tham ô quy mô lớn của Phra Khom chỉ bị lật tẩy khi nhà sư này phạm lỗi sơ đẳng. Phra Khom đã gọi điện chỉ đạo các đồ đệ trong chùa cất giấu số tài sản tham ô lúc đang bị thẩm vấn trong đồn cảnh sát. Giới chức ập vào chùa ngay sau đó và sốc trước những gì họ chứng kiến.
Theo luật, các ngôi chùa ở Thái Lan phải công khai sổ sách hàng năm với NOB, nhưng không phải chùa nào cũng tuân thủ, lãnh đạo NOB Intaporn Jan-Iaem thừa nhận.
Hội đồng Tăng già Tối cao Thái Lan (SSC) mới là cơ quan có thẩm quyền cao nhất đối với mọi vấn đề về tôn giáo trong tăng đoàn nước này. NOB có rất ít quyền hạn tiến hành các cuộc điều tra riêng, và đó là điều lãnh đạo Intaporn muốn thay đổi.
"Nếu các nhà sư phạm tội, NOB chỉ có thể gửi thông tin, bằng chứng để các nhà sư cấp cao của SSC xem xét. Quá trình điều tra hết sức chậm chạp", ông nói. "NOB cần có quyền triệu tập nhà sư để thẩm vấn lập tức, mà không cần chờ bất kỳ hội đồng nào".
Những người ủng hộ giữ nguyên trạng hệ thống quản lý cho rằng cơ chế hiện tại đủ tốt để kiểm soát "sư hổ mang", miễn là các sư trụ trì sẵn sàng thực thi luật tăng đoàn.
Sư trụ trì Phra Paisal Visalo không đồng tình, cho rằng hệ thống quản lý Phật giáo ở Thái Lan đã quá cũ kỹ.
"Các nhà sư phá giới luật, vi phạm pháp luật không bị trừng phạt, nên việc sư phạm tội trở nên phổ biến. Thái Lan cần một cuộc cải cách toàn diện. Một số giáo lý Phật giáo đã bị lãng quên, đặc biệt là niềm hạnh phúc thực sự bên trong mỗi người, thứ vượt ra ngoài niềm vui vật chất. Điều này cần được khôi phục và nhấn mạnh trong trọng tâm cải cách", nhà sư nói.
Trong nỗ lực cải cách, Chousak, quan chức Văn phòng Thủ tướng giám sát NOB, cho hay giới chức sẽ theo dõi, xử lý sát sao việc các nhà sư thuyết giảng bằng các lời răn, giáo lý méo mó.
"Những kẻ đội lốt nhà tu hành để phạm luật sẽ phải đối mặt hậu quả pháp lý, còn những nhà sư chân chính tận tụy với lời phát nguyện khi tu hành và cư xử theo giáo lý nhà Phật sẽ được bảo vệ tốt hơn", Chousak quả quyết.
Đức Trung (Theo ABC News, Bangkok Post, Khaosod)