"Chúng tôi không chào đón kiểu khách du lịch như vậy", Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 17/8 trả lời truyền thông về vấn đề người nước ngoài tới quốc gia này để sử dụng cần sa cho mục đích giải trí.
Tuyên bố của ông Anutin được đưa ra trong bối cảnh tình trạng sử dụng cần sa cho mục đích giải trí tăng mạnh, khi Thái Lan loại cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân sử dụng với mục đích y tế.
Dù hợp pháp hóa cần sa, Thái Lan vẫn cấm chế phẩm chứa hơn 0,2% tetrahydrocannabinol (THC - chất gây hưng phấn có trong cần sa), cũng như cần sa sử dụng cho mục đích giải trí.
Bất kỳ ai bị phát hiện sử dụng cần sa để tiêu khiển sẽ phải chịu các bản án theo quy định của pháp luật Thái Lan. Những người hút cần sa tại nơi công cộng có thể phải ngồi tù ba tháng tù hoặc bị phạt tiền 706 USD.
Bất chấp khuyến nghị của chính phủ, các cơ sở kinh doanh cần sa vẫn bố trí các khu vực đặc biệt, thu hút nhiều người địa phương và du khách tới sử dụng cần sa để giải trí. Dư luận Thái Lan vẫn không ngừng tranh cãi về cách sử dụng loại cây này trên thực tế.
Nhiều người Thái Lan cho rằng quyết định hợp pháp hóa cần sa lợi bất cập hại, mang lại nhiều phiền toái, trong khi số khác ủng hộ và đưa ra những đề xuất mới.
Yada Pornpetrampa, chủ một quầy đồ ăn tại Khaosan, Bangkok trong ba thập kỷ, cho biết khi luật thay đổi ngày 9/6, các sản phẩm cần sa tràn ngập khắp con phố du lịch nổi tiếng này. Bà lo ngại rằng điều này có thể phá hỏng hình ảnh của Thái Lan.
"Không phải ai cũng đến Khaosan vì cần sa. Đây là điểm đến cho mọi đối tượng du khách, trong đó có những gia đình", bà nói. "Hành vi của người hút cần sa gây phiền toái cho người khác, mùi cần sa cũng vậy. Giống như hút thuốc nơi công cộng làm ảnh hưởng đến mọi người".
Gần 10 ngày sau khi hợp pháp hóa cần sa, ông Anutin đã ban hành quy định cấm người dưới 20 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú sử dụng cần sa. Thái Lan cũng tuyên bố cấm cần sa trong trường học và các đồn cảnh sát. Giới chức cũng khẳng định sẽ thắt chặt quy định xử phạt các quầy bán cần sa không có giấy phép.
Trong khi đó, Kitty Chopaka, người kinh doanh cần sa, cho rằng giáo dục cộng đồng về ưu và nhược điểm của cần sa là rất cần thiết.
"Cần sa hiện được nhìn nhận một cách tiêu cực, song các loại ma túy khác như hồng phiến lại đang được bán với giá rẻ hơn nhiều", Chopaka cho biết. "Có những người đang vận động để đưa cần sa trở lại vào danh sách ma túy, nhưng thật không công bằng khi chỉ nhắm vào cần sa và cho rằng nó là nguồn cơn của các tệ nạn xã hội".
Đức Trung (Theo Reuters)