Người phát ngôn quân đội Thái Lan Pramote Promin hôm nay cho biết các vụ tấn công xảy ra ngay sau nửa đêm ở các tỉnh Pattani, Narathiwat và Yala, chủ yếu tại cửa hàng tiện lợi và trạm xăng, làm ít nhất 7 người bị thương nhẹ. Theo Pramote, những kẻ tấn công "ăn mặc như phụ nữ, sử dụng xe máy, một số ném bom xăng vào mục tiêu".
"Rõ ràng quân nổi dậy vẫn quyết sử dụng bạo lực đối với người dân, gây tổn hại niềm tin vào nền kinh tế, tạo ra sự không chắc chắn và phá hoại hệ thống chính quyền", Promin cho hay.
Đại úy cảnh sát Sarayuth Kotchawong nhận được tin báo trước nửa đêm rằng một kẻ tình nghi đã vào cửa hàng tiện lợi tại trạm xăng ở huyện Yaha, tỉnh Yala, đặt chiếc túi đen bên trong và cảnh báo nhân viên rời đi nếu "không muốn chết". 10 phút sau khi nhân viên rời đi, chiếc túi phát nổ.
Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.
Các tỉnh miền nam Thái Lan đã chứng kiến các cuộc nổi dậy kéo dài nhiều thập kỷ, trong đó chính phủ Thái Lan phải ứng phó các nhóm đòi độc lập cho Pattani, Yala, Narathiwat, ba tỉnh có đa số người Hồi giáo ở quốc gia chủ yếu theo đạo Phật. Người Hồi giáo từ lâu cho rằng bị đối xử bất bình đẳng ở Thái Lan. Cuộc nổi dậy cũng diễn ra ở tỉnh Songkhla lân cận.
Hơn 7.300 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kể từ năm 2004, theo nhóm giám sát bạo lực Deep South Watch. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Thái Lan với phe nổi dậy bắt đầu năm 2013, nhưng đã nhiều lần bị gián đoạn.
Chính phủ Thái Lan đầu năm nay bắt đầu nối lại đàm phán với nhóm nổi dậy chính, Barisan Revolusi Nasional, sau hai năm gián đoạn do đại dịch.
Tổ chức Giải phóng Thống nhất Patani (PULO), nhóm không tham gia vòng đàm phán mới nhất, đã thực hiện các vụ đánh bom trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và tuyên bố không chấp nhận đối thoại với chính phủ.
Tuy nhiên, Kasturi Makhota, thủ lĩnh PULO, khẳng định loạt vụ tấn công, phóng hỏa mới nhất "không liên quan gì" đến nhóm này.
Huyền Lê (Theo AP, CNN)